Thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa đông với những đợt rét đậm. Đây là thời điểm dễ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tăng huyết áp… đặc biệt là đối tượng người già.
Vì sao mùa đông dễ bị đột quỵ?
Khi thời tiết lạnh, cơ thể sẽ tăng tiết catecholamin trong máu và làm mạch máu co lại. Điều này dẫn đến áp lực trong lòng mạch tăng lên và dẫn tới huyết áp, nhịp tim đều tăng. Cùng với đó, nồng độ của một số thành phần tác động đến đông máu cũng thay đổi như: tăng hồng cầu, tăng số lượng tiểu cầu, tăng độ nhớt của máu… dễ gây ra hình thành cục máu đông. Đây là điều kiện thuận lợi cho các cục máu đông gây bít tắc lòng mạch từ đó dẫn đến các bệnh lý nhồi máu cơ tim, đột quỵ tim, đột quỵ não…
Với những người già, người có bệnh lý nền như đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, người từng bị đột quỵ… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi trời lạnh
Để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch nói chung và các nguy cơ đột quỵ não, đột quỵ tim… ở những người già, người có bệnh nền, bệnh nhân cần lưu ý ngoài việc tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ cần duy trì đo huyết áp mỗi ngày, tái khám theo lịch hẹn. Bên cạnh đó, việc duy trì một lối sống lành mạnh là cách để phòng ngừa bệnh:
- Chế độ ăn uống khoa học: Người già, người có các bệnh lý nền nên lựa chọn chế độ ăn nhạt dưới 5g muối/ngày. Bên cạnh đó cần bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả và có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu năng lượng. Uống đủ nước từ 2-3l nước/ngày ưu tiên uống nước ấm và chia làm nhiều lần. Với người già, lượng nước dự trữ thấp hơn so với người trẻ, do vậy không nên để tình trạng cảm thấy khát mới uống nước. Không hút thuốc lá và uống rượu bia để tránh tình trạng tăng nhịp tim.
- Ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng/ngày, lưu ý vào mùa lạnh nên ngủ trong phòng có nhiệt độ trên 20 độ C, đảm bảo đủ ấm cho cơ thể.
- Khi thời tiết lạnh cần lưu ý giữ ấm cho cơ thể kể cả lúc trong nhà. Bởi càng lớn tuổi, chỉ số khối cơ sẽ giảm khiến cơ thể dễ bị lạnh và chức năng bảo vệ các cơ quan trong cơ thể cũng giảm đi dễ gặp tình trạng hạ thân nhiệt hơn. Lúc này người già nên dùng khăn, mũ để giữ ấm cho khu vực đầu cổ, đeo tất chân giữ ấm lòng bàn chân.
- Hạn chế việc đi ra ngoài khi quá sớm hoặc quá khuya, đây là những thời điểm dễ xảy ra đột quỵ. Nên đeo khẩu trang để hạn chế việc hít phải không khí lạnh hay các loại virus.
- Duy trì hoạt động thể thao hàng ngày, lựa chọn các môn phù hợp với thể trạng để giảm nguy cơ đột quỵ.
- Tránh xa căng thẳng, stress và có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Có thể xịt mũi, rửa mũi, xúc họng bằng nước muối hàng ngày.
- Khám sức khỏe trước các đợt rét để giúp phát hiện sớm các nguy cơ gây đột quỵ, can thiệp và xử trí kịp thời kể cả với những người không có bệnh lý nền hoặc có một/nhiều các yếu tố nguy cơ.
Những dấu hiệu nguy hiểm cần biết
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch nguy hiểm khi trời lạnh người bệnh cần lưu ý:
- Nhồi máu cơ tim cấp: Xuất hiện những cơ đau tức ở ngực trái, người bệnh có cảm giác như bóp nghẹt lại. Cơn đau có thể xuất hiện trong thời gian ngắn hoặc kéo dài. Người bệnh có thể xuất hiện cảm giác hồi hộp trống ngực, khó thở, vã mồ hôi… Trong vòng 6 tiếng đầu kể từ khi có dấu hiệu khởi phát được xem là thời điểm vàng để tái thông động mạch vành. Do vậy ngay khi người bệnh có những biểu hiện trên cần đưa đến cơ sở y tế sớm nhất.
- Đột quỵ não: Đột quỵ não có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và không có dấu hiệu cảnh báo trước. Ở giai đoạn sớm bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như: nói khó, nuốt nghẹn, thị lực giảm, méo miệng, chân tay yếu, méo miệng, mặt lệch, đau đầu, xây xẩm chóng mặt… Đột quỵ được chia làm 2 loại: Dạng đột quỵ nhồi máu não do cục máu đông xuất hiện và làm tắc mạch máu não; đột quỵ do vỡ mạch máu não gây xuất huyết não. Với cả 2 trường hợp này cần để người bệnh nằm nghiêng một bên, kê cao đầu và không được cho ăn uống để tránh tình trạng bị sặc. Lúc này cần gọi ngay cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.