Quy định mới về trồng dược liệu trong rừng

Một trong những điểm đáng chú ý là quy định mới về nuôi, trồng, thu hoạch cây dược liệu trong rừng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2025.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 183/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp.

Trong đó, một trong những điểm đáng chú ý là quy định mới về nuôi, trồng, thu hoạch cây dược liệu trong rừng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2025.

Rõ ràng hóa phương án trồng và thu hoạch cây dược liệu

Nghị định 183 bổ sung Mục 4a vào Chương II, quy định chi tiết về hình thức, phương thức, thủ tục và nội dung phương án trồng dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Cụ thể, quy định các bước xây dựng, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh phương án trồng, thu hoạch dược liệu; cho phép thuê môi trường rừng để thực hiện hoạt động này đối với các chủ rừng là tổ chức.

Cây dược liệu được trồng phải phù hợp điều kiện sinh thái khu vực, nằm trong danh mục dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao do Bộ Y tế hoặc UBND cấp tỉnh ban hành.

Bảo đảm diện tích và chất lượng rừng

Việc phát triển dược liệu trong rừng phải không làm suy giảm diện tích, chất lượng rừng, không làm mất quyền sở hữu Nhà nước đối với tài nguyên rừng và phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường tự nhiên.

Chủ rừng không được lợi dụng việc trồng dược liệu để khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, và cũng không được phép sơ chế, chế biến dược liệu ngay trong rừng.

Riêng với các loài dược liệu nguy cấp, quý, hiếm, việc trồng và khai thác phải tuân theo các quy định hiện hành về động, thực vật rừng và Công ước CITES.

Quảng cáo

Phân loại theo loại rừng và đối tượng chủ rừng

Nghị định quy định rõ, đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, chủ từng là ổ chức có thể tự thực hiện hoặc hợp tác, liên kết, cho thuê môi trường rừng.

Chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư được tự trồng hoặc hợp tác với tổ chức/cá nhân khác.

Tuy nhiên, không được trồng ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, vùng có nguy cơ sạt lở cao trên 30 độ dốc, trừ trường hợp có đánh giá chi tiết và được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Đối với rừng sản xuất: Nếu là rừng trồng do chủ rừng đầu tư, chủ rừng được toàn quyền quyết định phương án trồng nhưng không được chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

Với rừng do Nhà nước sở hữu, các tổ chức/cá nhân vẫn cần có phương án được phê duyệt phù hợp với kế hoạch quản lý rừng bền vững.

Nghị định cũng khuyến khích hình thành các nhóm liên kết cộng đồng, hộ gia đình để triển khai trồng và khai thác cây dược liệu.

Phương thức trồng và khai thác dược liệu

Rừng đặc dụng: Dược liệu chỉ được trồng phân tán hoặc theo đám nhỏ, không vượt quá 1/3 diện tích lô rừng.

Rừng phòng hộ, rừng sản xuất: Áp dụng mô hình kết hợp lâm – nông – ngư nghiệp theo quy định tại Điều 25 và Điều 30 của Nghị định 156.

Chủ rừng hoặc bên thuê môi trường rừng được tự quyết định thời điểm thu hoạch, nhưng phải gửi phiếu thông tin thu hoạch đến kiểm lâm địa phương trước khi thực hiện.

Nghị định 183/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2025.

Theo Tạp chí Mỹ Phẩm
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam
Giấy phép số: 74/ GP- TTĐT cấp ngày 31/12/2014; Giấy phép số 326/GP-TTĐT (Bộ Thông tin & Truyền thông) ngày 27/12/2024
Tổng Biên tập: Ngô Đại Quang
Tòa soạn: 783 đường Hồng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 629889696- Fax: (84-4) 629889696
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản