Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện nay có khoảng 72,1 triệu người sử dụng Internet, tương đương hơn 73,2% dân số. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới.
Khi Internet phát triển, kéo theo các mạng xã hội ngày càng phổ biến, người sử dụng Internet càng có nhiều nguồn để tiếp cận thông tin về sản phẩm hơn và hình thành một lớp người tiêu dùng yêu thích mua hàng qua mạng xã hội.
Không thể phủ nhận, trên phương diện nhất định, mạng xã hội đã giúp cho nhiều người tiêu dùng không chỉ biết đến nhiều sản phẩm hơn, các yếu tố về giá cả,… mà thông qua công nghệ, người tiêu dùng bắt đầu biết cách tìm hiểu về sản phẩm, đánh giá chất lượng và tính tiện ích của sản phẩm để đưa ra quyết định chi tiêu. Đồng thời, qua mạng xã hội người tiêu dùng có thể thể hiện được quan điểm cá nhân nhiều hơn thông qua việc tự đăng tải thông tin, chia sẻ, bình luận, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng, kiến thức…
Song, mặt khác, việc có quá nhiều cá nhân thể hiện, mạng xã hội cũng bộc lộ một số bất cập, thậm chí khiến người tiêu dùng bị “ngộp” trong các thông tin. Đã có không ít trường hợp, một số tài khoản có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội đưa ra các quan điểm trái chiều về các sản phẩm, nhất là các sản phẩm cho đối tượng khách hàng nhạy cảm như trẻ em, mẹ bầu,… khiến cho người tiêu dùng không biết nên nghe theo nguồn thông tin nào.
Thông tin review sản phẩm của một tài khoản TikTok về một sản phẩm đang được nhắc đến nhiều gần đây - Ảnh chụp màn hình
Gần đây nhất, trên mạng xã hội đang hot rần rần tranh luận của nhiều mẹ bỉm sữa quanh chủ đề về sản phẩm rửa bình sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong đó, một nhãn hàng chuyên về tẩy rửa có xuất xứ từ Australia đặc biệt được nhắc tên nhiều. Sản phẩm nước rửa của thương hiệu này đang là một trong số những sản phẩm top đầu trên các sàn thương mại điện tử.
Sự việc xuất phát từ việc một tài khoản TikTok có hơn 9.000 người theo dõi đăng tải một video trên kênh TikTok cá nhân đánh giá về một số sản phẩm nước rửa bình sữa đang được nhiều người sử dụng trên thị trường. Sẽ không có gì đáng nói nếu tài khoản này chỉ đề cập đến ưu nhược điểm của các sản phẩm và đọc tên từng thành phần trong sản phẩm để người xem video tự đánh giá. Tuy nhiên, từ các thành phần trong sản phẩm, tài khoản TikTok này cảnh báo nếu trẻ bị nuốt dư lượng hóa chất, cụ thể là nhóm tẩy rửa Sulfat (SLS, SLES) trong một số sản phẩm mỗi ngày có thể khiến các tích tụ vào cơ thể gây ra các biến chứng lâu dài về sức khỏe của trẻ - một chủ đề vốn rất nhạy cảm với nhiều mẹ bỉm sữa. Thông tin này ngay lập tức đã khiến cho nhiều mẹ bỉm sữa đã và đang sử dụng sản phẩm được nêu tên không khỏi hoang mang.Hiệu ứng lan truyền của video này trên mạng xã hội nhanh chóng khiến cho nhiều tài khoản TikTok khác, trong đó có cả những người đã sử dụng và review sản phẩm được nhắc đến trong video lên tiếng. Tất nhiên có những ý kiến đồng tình với TikToker trên nhưng cũng có rất nhiều ý kiến không đồng tình.
Ý kiến của một tài khoản mạng xã hội liên quan đến sản phẩm rửa bình sữa - Ảnh chụp màn hình Một số tài khoản TikTok cũng đã vào cuộc giải thích rõ hơn về các thông tin liên quan đến nhóm chất tẩy rửa có chứa SLS được TikToker trên nhắc đến. Theo đó, tài khoản TikTok reviewbimsua.official có gần 192.000 người theo dõi và 2,9 triệu lượt thích cho rằng, trước tiên cần phải hiểu SLS là gì. Sodium Lauryl Sulfate (SLS) hay còn gọi là Sodium Dodecyl Sulfate được biết đến như một chất hoạt động trên bề mặt với công dụng làm sạch.
SLS được ứng dụng rất nhiều trong cả những sản phẩm tắm gội, kem đánh răng, kem cạo râu, thậm chí trong mỹ phẩm… với nồng độ thấp (1-10%) hoặc trung bình (10-25%).
Do đó, tài khoản reviewbimsua.official cho rằng việc lựa chọn có nên sử dụng sản phẩm rửa bình sữa có chứa SLS hay không còn tùy thuộc vào nồng độ SLS và nguồn gốc của SLS. Nếu nồng độ SLS dưới 10% thì các mẹ có thể yên tâm sử dụng.
Về nguồn gốc, SLS có hai gốc chính. Gốc hoá học được tạo ra từ dầu mỏ. SLS loại này dễ chứa kim loại nặng, có thể nhiễm dioxin từ đất và khó phân huỷ sinh học, gây ô nhiễm môi trường. Loại thứ hai là SLS gốc thực vật (SLES) được tạo ra chủ yếu từ dầu cọ và dầu. Loại này được sử dụng rộng rãi trong các dòng hóa mỹ phẩm cho da nhạy cảm, dễ phân huỷ sinh học.
Còn về việc SLS có gây "ung thư, ảnh hưởng thần kinh, rối loạn cảm xúc" như TikToker đề cập trong video gây hoang mang ở trên, tài khoản reviewbimsua.official trích dẫn nghiên cứu từ healthline.com cho biết: “Theo hầu hết các nghiên cứu, SLS là chất gây kích ứng nhưng không phải là chất gây ung thư. Các nghiên cứu cho thấy không có mối liên hệ nào giữa việc sử dụng SLS và việc tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, SLS có thể dễ dàng rửa trôi với nước và không gây tồn dư nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng cách”.
Như vậy, tài khoản này cho rằng với những sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, được cấp phép lưu hành, và đặc biệt là người dùng đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, dùng đúng liều lượng, đúng cách thì có thể tiếp tục sử dụng sản phẩm.
Về sản phẩm được nhắc đến trong video của TikToker trên, tài khoản reviewbimsua.official cho biết, hồi đầu thấy một mẹ hot TikToker dùng sản phẩm nước rửa chén này rửa bình, thấy hơi lăn tăn nhưng sau khi tìm hiểu thông tin công bố sản phẩm của hãng là sản phẩm dùng SLES, không phải SLS, nồng độ SLES được kiểm định là dưới 10% và gốc thực vật nên vẫn dùng bình thường.
Đại diện nhà phân phối sản phẩm nước rửa được nhắc tên đưa ra những phản hồi về các thông tin liên quan đến sản phẩm - Ảnh chụp màn hình
Bản thân nhà phân phối sản phẩm nước rửa được nhắc đến trong video lan truyền trên TikTok ngay sau đó cũng phải lên tiếng để đưa ra những thông tin minh bạch về sản phẩm, và đưa ra các văn bản, giấy tờ chứng minh về tính an toàn của sản phẩm.
Ngoài khẳng định sản phẩm nước rửa dùng SLES, không phải SLS và nồng độ SLES trong giới hạn cho phép, đại diện nhà phân phối cũng cho hay, sản phẩm dùng Coco Glucoside là loại tẩy rửa chiết xuất từ dừa kết hợp cùng SLES giúp tăng thêm khả năng làm sạch và hoà tan dầu mỡ, hoàn toàn không chứa các thành phần không được sử dụng tại Việt Nam và Australia. Sản phẩm phân phối tại thị trường Việt Nam và Australia có thành phần hoàn toàn giống nhau.
Về việc sử dụng sản phẩm này để rửa bình sữa cho trẻ em, đại diện nhà phân phối cho biết sản phẩm được nhà sản xuất xác nhận sản phẩm an toàn để sử dụng rửa bình sữa và dụng cụ ăn uống cho bé. Đồng thời, trong nhãn phụ của sản phẩm phân phối tại thị trường Việt Nam, nhà phân phối có ghi chú rõ ràng cách pha dung dịch rửa bình: pha 5-10ml dung dịch với 5L nước. Khi pha đúng công thức, nồng độ SLS sẽ giảm đi đáng kể, sau đó được rửa sạch lại bằng nước. Đối với dụng cụ bình sữa và ăn uống của trẻ dưới 12 tháng tuổi, khuyến nghị cần tiệt trùng sau khi rửa sạch bằng nước.
Thông tin xác nhận sản phẩm an toàn từ nhà sản xuất - Ảnh chụp màn hình
Sau khi nhà phân phối chính thức lên tiếng, các tranh luận của các TikToker liên quan đến sản phẩm này hiện đã tạm lắng xuống.
Từ sự việc trên, có thể thấy, trong thời đại mạng xã hội phát triển, không thể hạn chế người tiêu dùng, đặc biệt là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thể hiện quan điểm, đánh giá cả khách quan và chủ quan về sản phẩm. Nhưng điều quan trọng là những người tiêu dùng nói chung và các mẹ bỉm nói riêng cần có sự chọn lọc thông tin một cách cẩn trọng, nhất là cần theo những nguồn thông tin có kiểm chứng để thực sự trở thành người tiêu dùng thông thái.