Năm 30 tuổi, đang là giáo viên giỏi của một trường THPT huyện, thày giáo Vũ Thoại sang Ấn Độ làm nghiên cứu sinh về khoa học quản lý. Những ngày làm nghiên cứu sinh tại Ấn Độ, Thoại có cơ hội được gặp cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn khi ông có chuyến thăm quốc gia này. Lần đó, vị Phó thủ tướng đã dành riêng một buổi trò chuyện với sinh viên Việt Nam, ông đặc biệt dặn dò phải nghiên cứu, kết nối để đưa bằng được cây đàn hương của Ấn Độ về Việt Nam.
Vốn sinh ra ở vùng quê nông nghiệp, lại đã yêu thích cây trồng, từ sự gợi mở đó, ông Vũ Thoại đã âm thầm đi đến các ngôi chùa, nơi có nhiều cây đàn hương và các sản phẩm chiết xuất từ đàn hương.
Quyết tâm đưa bằng được giống cây quý về trồng trong nước nhưng khi tìm hiểu và nghiên cứu về cây này thì lại không hề đơn giản.
Đàn hương, cây tâm linh
Tại Ấn Độ, đàn hương được xem như báu vật, vua của các loại cây bởi giá trị kinh tế cao mà chúng mang lại. Tinh dầu của loài cây này được ví như “giọt vàng” với giá khoảng 4.500USD/kg. Một cây đàn hương 40 năm tuổi có giá cả tỷ đồng, thậm chí với những cây cổ thụ có thể được trả giá lên tới cả trăm tỷ. Người dân Ấn Độ coi đây là “vương mộc”, là tài sản quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt
Nếu các vương triều vua chúa Trung Hoa trước đây thường dùng hạt hồ tiêu tán nhỏ trộn với vôi vữa để xây cung cấm nhằm cản hàn phong, tránh gió độc và giữ ấm, tránh tà khí… thì các ngôi chùa thiêng ở Ấn Độ thường dùng gỗ đàn hương để dựng chùa và làm các đồ thờ, đồ dùng trong chùa; Dùng tinh dầu đàn hương để giữ ấm, xua tà khí, tránh bệnh tật, tạo nên cảm giác linh thiêng bởi hương thơm huyền bí…. Ngày nay, đàn hương được nhiều nước khám phá giá trị và ưa dùng. Nhiều ngôi chùa ở TQ, VN, Nhật… khi ta bước vào thấy phảng phất mùi hương thơm khác biệt và huyền bí linh thiêng, là biết ngay trong chùa có gỗ, có tinh dầu đàn hương.
Ngày đầu tiên cùng các bạn kenya chuẩn bị bầu đất
Hướng dẫn các bạn chăm sóc và kiểm tra cây sau khi trồng.Cây đàn hương được giới khoa học và kinh tế coi là cây “vàng xanh”. Bởi giá trị kinh tế từ các sản phẩm như lá, tinh dầu, gỗ, rễ… của cây đàn hương là rất quý và rất lớn. Một cân trà lá đàn hương hiện tại có giá 7 triệu VND, nhưng hầu như thị trường rất ít có, vì người TQ rất chuộng đàn hương nên hầu hết loại trà này được xuất sang thị trường TQ, Nhật, Hàn quốc… và người TQ lại bán với giá lên tới 150 triệu/kg. TQ là nước có khí hậu ôn đới nên họ không trồng được đàn hương như Việt Nam và Ấn Độ
Đàn hương không chỉ quý bởi giá trị trực tiếp với đời sống con người về mặt khoa học, sức khoẻ… đàn hương còn được sử dụng giữ gìn như bảo vật, như của nả lưu truyền, đàn hương đem đến sự ngưỡng mộ, tò mò khám phá và cảm xúc tinh thần khi được chiêm ngưỡng, được chạm đến… Chả thế mà tỷ phú TQ Trần Lệ Hoa vợ của nghệ sỹ Trì Trọng Thuỵ (người sắm vai Đường Tăng trong phim Tây Du Ký) đã đầu tư hơn 200 triệu nhân dân tệ, để xây dựng bảo tàng gỗ đàn hương lớn nhất TQ. Du khách khắp nơi khi đến TQ đều cố gắng đến bằng được bảo tàng này một lần, bởi ai cũng mong có được điều may mắn.
Ở VN, cách đây chừng hơn thập kỷ đã có một cơn sốt săn lùng cuốn tiểu thuyết “Đàn hương hình” của văn hào Mạc Ngôn. Một tác phẩm gây ám ảnh cho người đọc bởi những linh dị và huyền bí về cây đàn hương.
Ở Ấn Độ cây đàn hương được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Người dân ở đây cũng rất hạn chế chia sẻ thông tin với người lạ. Để tiếp cận được với cây, ông Vũ Thoại phải nhờ tới sự giúp đỡ của đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, đồng thời liên hệ với các nhà khoa học làm cầu nối với những người trồng đàn hương. Mấy năm nghiên cứu sinh ông dành thời gian ăn ở, sinh sống với người dân bản địa.
Chụp ảnh kỷ niệm bên thành quả 6 tháng trồng cây sưa đỏ.
Nỗi lo của “vua đàn hương”
Để có thể xác định việc trồng cây đàn hương ở VN có phù hợp hay không, ông Vũ Thoại lại sang kết nối mời đoàn chuyên gia Ấn Độ về Việt Nam để giúp nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu… những vùng có tiềm năng phát triển loại cây quý này. Chuyến đi đầu tiên thành công hơn cả mong đợi khi tất cả các chuyên gia quốc tế đều chung nhận định, Việt Nam là đất nước rất thích hợp để trồng và phát triển đàn hương. Nhất là các vùng miền Trung và Tây nguyên.
Trà lá đàn hương tăng sức đề kháng cho cơ thể, ức chế và triệt tiêu sự phát triển của tế bào gốc tự do. Làm dịu tinh thần, xua tan căng thẳng, mệt mỏi…. Đặc biệt là rất tốt cho người bị tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch và hô hấp…
Trong tự nhiên có khoảng 16 loại đàn hương khác nhau, nhưng chỉ có đàn hương trắng của Ấn Độ là loài quý nhất, có giá trị kinh tế cao. Cây đàn hương khó trồng, nếu dùng hoá chất kích cho nảy mầm thì cây sẽ sinh trưởng yếu, khó có lõi và dễ bị sâu bệnh, còi cọc. Mấy năm ròng như thế, cuối cùng thì nhà khoa học cũng thành công trong việc tạo ra phương pháp kích thích cây nảy mầm từ hạt tự nhiên.
Ông Vũ Thoại quyết định thành lập Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm, sau khi đã gom hết tài sản và vay mượn hơn 10 tỷ đồng để đầu tư, thuê đất, mở trang trại rộng trên 10ha để nhân giống và trồng thí điểm cây đàn hương. Ngoài việc mở trang trại trồng đàn hương, Thoại cũng chuyển giao công nghệ cho nông dân nhiều địa phương như Phú Yên, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… Cho đến nay, cây đàn hương đã được trồng khảo nghiệm tại 43 tỉnh thành trên cả nước. Nhiều cây cho ra hoa và quả khi mới chỉ 18-28 tháng tuổi, lõi cây đàn hương thu được tại các vùng trồng thử nghiệm cũng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là đạt tiêu chuẩn. Để có thể khai thác gỗ đàn hương phải mất từ 12- 15 năm, thậm chí 30 năm nếu muốn có gỗ đạt chuẩn tốt nhất. Nhưng ngay từ năm thứ tư, cây đã cho nguồn thu từ lá để làm trà cao cấp và hạt dùng để chiết xuất tinh dầu.
Tiếp theo việc nghiên cứu trồng và lan rộng cây đàn hương thành công, ông Vũ Thoại còn kết hợp với nhiều nhà khoa học, chuyên gia của Việt Nam nghiên cứu công nghệ sản xuất trà, kem dưỡng da, dược liệu… từ lá, chiết xuất tinh dầu của đàn hương. Năm 2019, những sản phẩm từ đàn hương đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hiện nay, giá bán lá đàn hương trên thị trường dao động từ 200-250 nghìn đồng/kg, 1kg tinh dầu của đàn hương có giá vào khoảng 3.000-4.500USD/kg.
Nỗi lo của “vua đàn hương”- cách mà người ta gọi ông Vũ Thoại là khi biết giá trị kinh tế của cây, dân mình lao vào trồng vô tội vạ, sẽ dẫn đến tình trạng chất lượng cây mất kiểm soát. Trong khi, cây đàn hương đòi hỏi khắt khe về mật độ trồng, cây ký chủ, đặc biệt là chất lượng và nguồn gốc cây giống. Do vậy người dân cần thiết phải tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học trước khi quyết định trồng loại cây này. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, trong 1.000 cây đàn hương trưởng thành sẽ chỉ có khoảng 100 cây (khoảng 10%) phát triển tốt nhất và cho được giá trị thực.
Thăm trang trại trồng hoa hồng tại Kenya
Thăm quan vườn lựu đỏ tại Kenya