Chắc hẳn bạn đã nghe nhiều về các khái niệm trong thế giới làm đẹp chẳng hạn như Natural beauty, Organic beauty, Green beauty, Clean beauty…. Nhưng bạn có chắc chắn rằng mình đã hiểu hết những thuật ngữ này? Bài viết dưới đây, mời bạn cùng tìm hiểu khái niệm của các xu hướng làm đẹp hiện nay.
NATURAL BEAUTY (MỸ PHẨM TỰ NHIÊN)
Ảnh: threadsnetwork
Thuật ngữ này thường được sử dụng nhiều trong nhãn dán của các sản phẩm làm đẹp. Mỹ phẩm thuộc ‘natural beauty’ thường chứa thành phần nguồn gốc từ tự nhiên thay vì chất tổng hợp. Một số sản phẩm làm đẹp từ tự nhiên không hẳn là chứa thành phần hữu cơ hoặc không có nguồn gốc từ động vật. Chẳng hạn, các sản phẩm như sáp ong, vảy cá hoặc nhau thai cừu đều có nguồn gốc động vật và chúng đều được xem là mỹ phẩm thuộc ‘natural beauty’. Ngược lại, tên khoa học của một số thành phần tự nhiên lại nghe giống như hóa chất tổng hợp. Ví dụ: natri clorua là muối biển, acid citric là chiết xuất được tìm thấy trong chanh và trái cây họ cam quýt.
GREEN BEAUTY (MỸ PHẨM “XANH”)
Ảnh: navs
Xu hướng làm đẹp Green beauty có thể được xem là một phần nhỏ trong ‘natural beauty’. Danh sách thành phần của mỹ phẩm ‘Green beauty’ thường có nguồn gốc từ thực vật hoặc trái cây mà không phải là các thành phần tổng hợp. Tuy nhiên, ngay cả khi các thành phần có nguồn gốc hoàn toàn từ cây trồng và trái cây cũng không nhất thiết là nguyên liệu hữu cơ hoặc được sản xuất tại nông trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Thông thường, các sản phẩm trong ‘green beauty’ sẽ hướng về việc hạn chế sự tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất.
ORGANIC BEAUTY (MỸ PHẨM HỮU CƠ)
‘Organic beauty’ dùng để chỉ các loại mỹ phẩm có thành phần hữu cơ. Đây dường như cũng là xu hướng làm đẹp đang chiếm ngôi trong thế giới làm đẹp dạo gần đây. Mỹ phẩm organic được khuyến khích dùng cho phụ nữ mang thai bởi thành phần tự nhiên, lành tính. So với ‘natural beauty, mỹ phẩm hữu cơ phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt hơn. Các thành phần phải có nguồn gốc từ tự nhiên, không chứa thuốc trừ sâu, phân bón hóa học…
Son tươi organic nổi tiếng Bite Beauty. Ảnh. Bite Beauty
Quá trình phát triển các nguyên liệu hữu cơ trong bảng thành phần cũng đòi hỏi phải thân thiện với hệ sinh thái và không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, bao bì sản phẩm cần thân thiện với thiên nhiên, có thể phân hủy hoặc tái chế lại. Tỷ lệ của các thành phần non-organic (không phải hữu cơ) trong các sản phẩm này chỉ được cho phép ở mức rất thấp. Mỹ phẩm organic có thể ở nhiều dạng như:
CLEAN BEAUTY (MỸ PHẨM “SẠCH”)
Những sản phẩm và thương hiệu có dán nhãn ‘free of’ (không có chứa) các thành phần độc hại thường nằm trong danh mục ‘clean beauty’. Những thành phần này bao gồm silicone, paraben, sulfat, hương thơm tổng hợp, dầu khoáng… Hiện nay, ‘clean beauty’ ngày càng được ưa chuộng bởi độ lành tính, không gây độc hại cho làn da.
Xu hướng ‘green beauty’ ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn ở hiện tại. Ảnh: topsimages
CRUELTY-FREE BEAUTY (MỸ PHẨM NHÂN ĐẠO)
Thuật ngữ trên như một tuyên ngôn của các thương hiệu không tiến hành thử nghiệm trên động vật. Trước đây, động vật thường được sử dụng để thử nghiệm nhiều loại thuốc, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm. Một sản phẩm được xem là ‘cruelty-free beauty’ sẽ đáp ứng tiêu chuẩn sau: thành phẩm hoặc nguyên liệu không thử nghiệm trên động vật và không gây bất kỳ tổn hại cho động vật.
Xu hướng làm đẹp ‘cruelty-free’ được nhiều người ủng hộ. Ảnh: livekindly
Tuy nhiên, một số mỹ phẩm trong xu hướng làm đẹp này vẫn chứa thành phần có nguồn gốc động vật, chẳng hạn như sáp ong. Miễn là thành phẩm hoặc nguyên liệu không thử nghiệm trên động vật thì vẫn được xem là ‘cruelty-free beauty’. Để tìm kiếm những sản phẩm thuộc danh mục này, bạn có thể tìm trên nhãn dán hai logo sau:
- PETA: đây là tổ chức nổi tiếng về quyền động vật. Các thương hiệu khi dán logo này sẽ ký cam kết không thử nghiệm trên động vật với bất kỳ nguyên liệu, công thức hoặc sản phẩm của mình.
- Leaping Bunny: công ty tự nguyện cam kết không thử nghiệm trên động vật ở tất cả các giai đoạn của sản phẩm, kể cả nhà cung cấp nguyên liệu.
Logo của PETA và Leaping Bunny. Ảnh: picbon
VEGAN BEAUTY (MỸ PHẨM “THUẦN CHAY”)
Đây là khái niệm thường bị nhầm lẫn với ‘cruelty-free beauty’ nhưng thực ra rất khác biệt. ‘Cruelty-free beauty’ chỉ giới hạn ở việc không thử nghiệm trên động vật, còn ‘vegan beauty’ là sản phẩm không sử dụng nguồn nguyên liệu từ động vật, kể cả thành phần phụ. Tuy nhiên, một sản phẩm thuần chay ‘vegan beauty’ không đồng nghĩa với việc có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên hoặc hữu cơ, trong đó vẫn có thể chứa nhiều hóa chất tổng hợp.
Mỹ phẩm “thuần chay” nhận được nhiều sự yêu mến của các tín đồ làm đẹp. Ảnh: topsimages