Từ khi còn bé, khoảng hơn ba tuổi, đã nhận biết được nhiều thứ ở xung quanh, tôi rất hay hỏi ông bà nội về mọi thứ. Vì thế nên ở làng mà tôi đã biết đất nước mình có sông, có núi. Hồi ấy, bố mẹ đi công tác, để tôi ở lại với ông bà. Bà tôi hay kể chuyện, thường ầu ơ hát ru hoặc cất lên một câu chèo, rồi kể cho tôi nghe chuyện Lưu Bình, Dương Lễ… Tôi hỏi bà bố mẹ đi đâu, bà bảo xa lắm, tít trên miền núi cao ấy. Núi cao ở đâu? Phải ra khỏi làng, đi mãi thì gặp những con sông rộng, đi tiếp mãi nữa, thì tới chân những ngọn núi.
Lớn thêm một chút, khi bố mẹ về đón đi thì tôi nhập vào những chuyến xuôi ngược dằng dặc của cha mẹ. Đi ra Hải Phòng, đi lên Hà Nội, đi mấy ngày, ngủ mấy đêm, trên những con đường gồ ghề xóc nảy để tới Mộc Châu, Yên Châu, Sơn La, Mường La… Đến đấy, ngửa đầu lên nhìn những núi là núi, có những ngọn núi cao ít khi thấy đỉnh vì lúc nào cũng đầy trời mây vần vụ che mất đi.
Tôi ngồi trên xe chạy, nhìn ra, núi rừng vun vút trôi lại phía sau, mùi xăng xe không cháy hết, thơm thoang thoảng. Tôi biết mình sẽ luôn thích đi đây đó. Tôi không hề say xe, dù có xóc, có bụi, có chật chội và đi liên tục bao nhiêu lâu. Cứ ngửi thấy mùi xăng xe thoang thoảng là tôi thích thú…
Giờ thì chẳng còn nhớ mình đã có bao nhiêu chuyến đi. Cũng chưa dịp nào ngồi liệt kê ra những nơi mình đã đến và ở lại… Nhưng chuyến đi đầu đời, là tự mình đi chứ không phải thụ động đi theo cha mẹ, lại làm tôi rất nhớ.
Năm ấy, tôi qua tuổi mười lăm. Mùa hè đầu tiên yên bình, không còn sợ sệt gì nữa sau mùa xuân thống nhất đất nước. Tôi muốn tự mình đi để tìm hiểu những gì mình muốn biết. Nơi tôi nhắm đến là sông Đà.
Trước đó mấy tháng, có hai ông bác người Thái khênh một con cá to ghê gớm, đi qua nhà tôi. Con cá giống cá trê, da vàng ruộm. Người ta buộc đầu nó vào một đoạn tre để khiêng mà đuôi vẫn quệt xuống đất. Giữa cái thời cá tôm bé tí và hiếm hoi ấy, thì con cá này vĩ đại lắm. Buổi chiều trên đường đi đâu đó về, tôi bắt gặp và cứ thế đi theo. Hỏi con cá này là gì? Người khiêng bảo cá chiên. Hỏi ở đâu ra, bảo bắt dưới sông Đà. Sông Đà xa không? Xa đấy, đi từ sáng sớm, giờ mới tới đây. Khi họ đi qua lối rẽ vào nhà tôi, nói sẽ lên thị xã, có đông người góp tiền mua thì mới bán được. Tôi níu lại, bảo vào nhà tôi, bố tôi sẽ mua. Họ nhìn tôi, nhìn nhau, rồi cùng gật gật đầu và… đi theo tôi.
Bố nhìn thấy tôi dẫn khách về, vô cùng ngạc nhiên. Tôi nài nỉ bố tôi mua con cá. Bố bảo cá này ngon lắm, nhưng cần nhiều tiền, lấy đâu ra. Tôi bảo, thì bố nghĩ cách đi. Bố cũng gật gật đầu, rồi gọi cả xóm lại bàn góp tiền mua để cùng đánh chén. Hai người bán cá rất vui. Họ ở lại đêm ấy, cùng làm thịt con cá. Chao ôi, bao nhiêu là món ngon, đầy hương vị giữa thời kham khổ. Một cuộc đánh chén tưng bừng đến tận khuya...
Sáng hôm sau, có cái xe tải bố tôi quen chạy vào phía sông Đà, bố tôi nói cho hai người khách đi nhờ về. Chia tay, họ rất quyến luyến tôi. Thấy thế, tôi nói muốn đến sông Đà chơi. Khách cùng ồ lên, đến nhé, đến nhé…
Vì lời hẹn ấy mà khi nghỉ hè, tôi xin bố mẹ cho mình tự đi sông Đà. Có xe tải đến Tạ Bú để đi nhờ. Ngủ lại một đêm với chú lái xe rồi sáng hôm sau, vai khoác cái ba lô, tôi đi bộ đến Mường Bú, hỏi tìm nhà bác Luông và bác Xôm, hai vị khách bán cá chiên sông Đà dạo trước.
Đi bộ chậm chạp từ sáng vì vừa đi vừa hỏi, vừa ngắm núi vừa ngắm suối, quá trưa lâu lâu thì mới tới bản. Một bản Thái lớn tựa vào chân núi nhìn ra cánh đồng rộng đầy lúa chín. Đi xuống một đoạn dốc dài là sông Đà. Mới thoáng đấy, đã thấy có mấy bóng thuyền độc mộc chầm chậm giữa làn sương mỏng trên mặt nước đang duềnh lên. Bên sông, những dãy núi đá xanh ngắt kéo dài miên man…
Nhìn thấy tôi, bác Xôm chạy ào từ trên cầu thang xuống đón. Phà ơi, tưởng còn lâu, tưởng đùa thôi, mà cháu mày đã đến đây thật rồi á? Cháu mày là khách quý đấy! Bác ơi, có bắt được thêm con cá chiên nào nữa không? Không dễ bắt được cá to thế đâu, nhưng cá nhỏ thì nhiều cho cháu mày ăn đấy. Có ở nhà ta được lâu không? Tùy bác cho bao lâu thôi. Cháu phải đi xem sông núi ở đây, phải đi thuyền độc mộc, phải lên rừng xem bác bắn con chồn con cáo nhé. Thế thì được mà, được mà…
Lên trên sàn nhà thì gặp bác gái với năm đứa trẻ con cao thấp khác nhau. Bác Xôm giới thiệu tôi với bác gái và đám trẻ con bằng tiếng Thái, tôi nghe được lõm bõm. Ngay sau đấy thì bác Luông đến. Bác Luông hể hả: Đang đi ruộng mà có người nói, biết thằng cháu mày đến bản rồi. Vui lắm, vui lắm!
Có một cô con gái, lớn hơn tôi một chút, gánh một gánh củi với măng rừng về. Bác Xôm kéo tay tôi: Nó là con gái đầu đấy. Nó lên là Hay. Bác Luông bảo, mày thích ở rể nhà ông Xôm không? Hay đỏ bừng mặt, nhìn tôi như ước đoán tuổi, rồi nhìn bác Luông, nói: Nó ít tuổi mà, làm chị em thôi…
Đó là kỳ hè thần tiên. Những sáng tôi lên rừng cùng mấy đứa trẻ cùng trạc tuổi ở bản. Chúng chưa nói được nhiều tiếng Kinh, tôi thì biết ít tiếng Thái, thế mà tôi vẫn theo được để học cách chúng đánh bẫy gà rừng, học cách trèo lên vách núi hái măng mạy loi, rồi chặt củi gánh về. Buổi chiều thì xuống sông Đà, chị Hay chèo thuyền độc mộc đẩy ra giữa dòng sông xanh mờ nước… Cũng có khi, tôi im lặng đi cùng chị dọc con đường hun hút ven sông, đi về phía thượng nguồn rồi hạ nguồn…
Những buổi tối ấm áp quanh bếp lửa, xơi xôi nếp mới trong ninh đồng vừa dỡ ra nóng rịn lòng tay chấm vào chảm chéo mới giã, măng mạy loi, măng lay dầm trong mẳm cá, mẳm hén cay nồng hương ớt rừng, cá nướng pa pỉnh tộp đủ kiểu thơm mùi mắc khén… Sau rồi ngồi nghe các bác kể về bốn thứ truyền đời lại trong nhà là súng kíp, ninh đồng, chân chài và dao đẳm rất thiêng...
Bác Xôm đã cho tôi thử bắn một lần súng kíp khi đi săn mà tôi bắn trượt con chồn to. Bác Luông cho tôi quăng một chân chài trên sông, bắt được con cá chép có vảy pha ánh vàng.
Tôi đã nhấp chén rượu đầu tiên đời mình lần ăn cỗ chung cả bản. Người này, người khác chạm chén làm tôi mê lịm đi. Chị Hay phải ra dìu tôi về, đưa tôi vào đệm và đắp chăn cho tôi. Dù say bồng bềnh, giữa tuổi trai vừa mới lớn, tôi vẫn cứ nhận ra bờ vai, bầu ngực rắn chắc và mùi hương của người con gái Thái sắp đến lúc có chồng.