BS.Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng đã có chia sẻ về việc theo dõi SpO2 và những sai lầm trong cách thở ôxy tại nhà.
Chỉ số SpO2 là gì?
Chỉ số SpO2 được các phương tiện truyền thông và rất nhiều người nhắc đến trong thời gian này. Tuy nhiên, không phải ai cũng hoàn toàn hiểu bản chất của SpO2 là gì.
SpO2 là nồng độ ôxy máu? Không đúng. Mà SpO2 là nồng độ oxy máu mao mạch, được đo ở đầu ngón tay, ngón chân, vành tai...
BS.Nguyễn Tiến Dũng giải thích: Trong một số bệnh cảnh như: Suy hô hấp (khó thở), suy tuần hoàn (hạ huyết áp) cấp tính, nghiêm trọng (sốc)…, cơ chế tuyệt vời của cơ thể lúc này sẽ thích ứng bằng hiện tượng "trung tâm hóa tuần hoàn".
Tức là máu giàu ôxy lúc này chỉ tập trung nuôi các cơ quan quan trọng: Tim, gan, thận, phổi, não... mà không đến trao đổi tại hệ thống mao mạch (môi, đầu ngón tay, ngón chân...) nữa.
Chính vì thế lúc này khi quan sát sẽ thấy môi, đầu ngón tay, ngón chân… của bệnh nhân tím, tái, lạnh…
Lúc này đo SpO2 tại các vị trí này có thể xuống đến mức rất thấp. Vì ôxy tại đây vẫn tiếp tục được tế bào sử dụng, nhưng lại không được cung cấp mới. Nó có thể cạn kiệt đến mức thấp hơn con số 24% như bệnh nhân nêu trên rất nhiều.
Nếu bệnh nhân được xử trí kịp thời, phù hợp, bệnh nhân hoàn toàn có thể hồi phục, dù có thể để lại di chứng.
Chỉ số SpO2 bao nhiêu là nguy kịch?
Chia sẻ về vấn đề này, Bs. Dũng giải thích thêm, thời gian qua, khi một bệnh nhân vào viện, có chỉ số SpO2 chỉ 24%, bệnh nhân có khó thở nhưng toàn trạng vẫn tương đối tỉnh táo. Sau đó bệnh nhân đã được điều trị ổn định. Do vậy, không hẳn là chỉ số SpO2 dưới 80% "thì phải thở máy", nếu không sẽ nguy kịch như một số thông tin đã lan truyền dẫn đến hiểu lầm trong công chúng và có thể gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho bệnh nhân…
Chỉ số SpO2 là nồng độ ôxy máu mao mạch.
Những sai lầm khi thở ôxy tại nhà
Có thể nói, ôxy là "phương thuốc" chủ đạo trong điều trị COVID-19. Và trong thực tế trên thế giới, tại những nơi không cung cấp đủ ôxy để điều trị bệnh, thì tỉ lệ bệnh nhân tử vong cao.
Tuy nhiên, khi đã có ôxy và máy tạo ôxy rồi, cũng rất cần biết cách sử dụng nó an toàn và hiệu quả, để tránh những sai lầm khi sử dụng ôxy một cách cảm tính.
Cần biết cách sử dụng oxy cho an toàn và hiệu quả.
Sai lầm thứ nhất:
thường gặp nhất là chỉ định ôxy trị liệu rộng rãi quá mức cần thiết, ngay cả khi ôxy máu ở mức bình thường.
Theo một thống kê ở Anh, có đến 34% bệnh nhân sử dụng ôxy lúc vận chuyển trên xe cấp cứu; 5-17% bệnh nhân nhập viện được nhận ôxy ở bất kỳ thời điểm nào.
Vậy khi nào cần thở ôxy? Hãy hỏi bác sĩ đang theo dõi cho bạn.
Sai lầm thứ hai:
là sử dụng ôxy liều cao không phù hợp. Điều này là do nhận biết không đầy đủ về mối nguy cơ tăng ôxy máu quá mức.
Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi những quan niệm không đúng về ôxy trị liệu.
1. Ôxy không điều trị được khó thở, ôxy chỉ giúp cải thiện tình trạng hạ oxy máu.
2. Ôxy không điều trị được các nguyên nhân gây hạ ôxy máu. Do đó, thở ôxy phải đi kèm điều trị nguyên nhân (tổn thương phổi).
3. Tăng ôxy máu quá mức cũng nguy hiểm không kém gì hạ oxy máu.
Điều gì xảy ra khi tăng ôxy máu quá mức?
Khi tăng oxy máu quá mức, có thể gây một số tình trạng như:
- Ức chế trung tâm hô hấp, làm bệnh nhân giảm thông khí (giảm tần số, giảm biên độ hô hấp... có thể hiểu đơn giản là bệnh nhân không chịu thở chủ động).
- Gây tình trạng phụ thuộc vào ôxy.
- Làm nặng thêm tình trạng mất cân bằng khí máu.
- Xẹp phổi do hấp thu.
- Co thắt mạch vành và mạch não.
- Giảm cung lượng tim.
- Phá hủy tế bào do các oxy gốc tự do.
- Tăng kháng lực mạch máu toàn thể.
Tăng ôxy máu quá mức có thể làm diễn tiến xấu đi đối với những bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp type II (bệnh phổi mạn tính), làm chậm nhận biết các diễn tiến lâm sàng xấu đi, vì bị che lấp bởi SpO2 bình thường hoặc cao.
Tăng ôxy máu quá mức còn làm tăng nguy cơ tử vong của một số nhóm bệnh nhân như tai biến mạch máu não nhẹ và vừa, ngưng tim, các bệnh nhân nằm ICU...
Vậy thở ôxy bao nhiêu lít/phút là đủ?
BS.Nguyễn Tiến Dũng khuyên: Điều này thì đối với từng trường hợp, cần hỏi ý kiến của bác sĩ đang theo dõi để được tư vấn cụ thể. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, nếu không thể có ý kiến của bác sĩ, thì người chăm sóc không nên cho bệnh nhân thở ôxy cao hơn 5 lít/phút.
Đối với bệnh nhân khỏe mạnh, SpO2 dưới 93%, thì chỉ duy trì ôxy vừa đủ để SpO2 đạt 94%-96%.
Với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, SpO2 chỉ cần duy trì 88-92%, với liều ôxy 1 - 2 lít/phút.
Bệnh nhân suy tim, SpO2 chỉ cần duy trì trong khoảng 90%, với liều ôxy 3-5 lít/phút.
Mặc dù vậy, việc sử dụng cũng vẫn cần phải có ý kiến cụ thể của các chuyên gia y tế.