Phía sau hào quang “công chúa”

Trong sự nghiệp vận động viên, “công chúa thể dục nghệ thuật” Thu Hà đã cống hiến cho người hâm mộ những màn trình diễn mãn nhãn. Ai biết phía sau nụ cười cùng hào quang lấp lánh kia là bao mồ hôi, nước mắt… là tuổi thơ đánh rơi, là tuổi trẻ vụt qua trên sàn tập?
Phía sau hào quang “công chúa”


Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, Thu Hà là con gái của một trong những “cây đa, cây đề” của dòng nhạc cách mạng, NSƯT Trọng Thủy. Cha từng hướng cô theo nghiệp của mình nhưng cuộc đời lại muốn cô rẽ sang hướng khác. Một ngày tình cờ, Hà lọt mắt xanh của chuyên gia người Trung Quốc, khi bà sang Việt Nam tuyển quân để phát triển bộ môn thể dục nghệ thuật: “Năm ấy, ở nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (Hà Nội) có chương trình thu hút khán giả. Tôi còn là một cô bé chạy lon ton. Chuyên gia Trung Quốc thoáng trông thấy tôi đã ưng, liền đến gặp cha mẹ tôi. Bà nói rằng, trông tôi rất giống một vận động viên thể dục nghệ thuật nào đó ở Trung Quốc. Bà trao đổi với cha mẹ để tôi tham gia bộ môn này ”, Hà kể. NSƯT Trọng Thủy và bà xã, là những nghệ sỹ nên bất kể bộ môn nào có đính kèm hai chữ “nghệ thuật” đều làm họ xiêu lòng. Họ khuyến khích con gái đến với sân chơi.

Nhưng bộ môn thể dục nghệ thuật không phải một sân chơi bình thường. Những đứa trẻ bước vào đây thay vì cười, lại khóc. Ngay thời gian đầu tập luyện, các bé đã phải làm quen với những bài tập ép dẻo: “Môn thể dục phải uốn nắn tư thế. Nhất là với thể dục nghệ thuật phải chỉn chu, sạch sẽ và đạt độ âm dẻo, tức võng hẳn ra. Ở bộ môn này, càng dẻo càng đẹp nhưng trong độ dẻo ấy lại cần vận động viên dùng sức chứ không được phép thả lỏng. Trong khi thực hiện bài tập lại phải thể hiện được biểu cảm, thần thái”, Thu Hà giải thích.

Phía sau hào quang “công chúa” Thu Hà dạy ép dẻo.


Một vận động viên thể dục nghệ thuật vừa phải như một nghệ sỹ ballet, lại như một nghệ sỹ xiếc, bởi họ sử dụng cả dụng cụ tung hứng khi thi đấu, làm sao đạt mức độ chuẩn xác nhất, không được phép rơi. Để giành được thành tích cao, hầu hết những vận động viên thể dục nghệ thuật đều bỏ quên tuổi thơ trên sàn tập. “Công chúa thể dục nghệ thuật” không phải trường hợp ngoại lệ: “Bao năm rèn luyện, mỗi lần đè dẻo đều khóc, huấn luyện viên phải đè thì vận động viên mới có độ dẻo, rất rất đau. Chúng tôi đều hét lên song bắt buộc phải tập, không tập thì không có độ dẻo”, cô nói. Vật vã với đè dẻo, ép dẻo, các vận động viên còn phải đối phó với vấn đề cân nặng. Ở tuổi dậy thì, giữ cân nặng ổn định là một thách thức với nữ giới, một số vận động viên không vượt qua được yêu cầu này. Cân nặng tăng lên không những ảnh hưởng đến thành tích thi đấu mà còn nguy cơ đưa đến những chấn thương không mong muốn. “Công chúa” tiết lộ, cô từng suýt rớt danh sách vận động viên đi tập huấn ở Trung Quốc, do hình thể đầy đặn.

Phía sau hào quang “công chúa” “Công chúa thể dục nghệ thuật” Thu Hà .

Là vận động viên thể dục nghệ thuật đồng nghĩa với việc bạn phải bắt đầu luyện tập từ rất sớm và chấp nhận giải nghệ sớm, nhất là với vận động viên nữ: “Đối với thể dục dụng cụ và thể dục nghệ thuật, vận động viên nữ nào quyết tâm và nỗ lực, cùng lắm cũng chỉ tập đến 25-26 tuổi”, Thu Hà chia sẻ. “Công chúa” bắt đầu luyện tập khi mới 6 tuổi và kết thúc đời vận động viên ở lứa tuổi người xưa ví von “bẻ gãy sừng trâu”.

Hà không nhớ trong đời vận động viên cô đã “rinh” tất cả bao nhiêu huy chương. Chỉ có thể điểm danh một số thành tích trên đấu trường quốc tế: Hai huy chương đồng ở SEA Games 21 (năm 2001), SEA Games 23 (năm 2005); Huy chương bạc giải mở rộng của Malaysia, 2002. Tham gia các giải vô đich toàn quốc hầu hết Hà “ẵm” huy chương vàng. Song sự nghiệp thi đấu của “công chúa” không phải lúc nào cũng thênh thang, cũng có khi ghềnh thác, khiến cô chùn bước, muốn từ bỏ tất cả để trở về với cuộc sống của một cô gái bình thường, không tập luyện khốc liệt, không áp lực huy chương: “Mùa SEA Games 22 (năm 2003), tôi thi đấu không thành công, không được giải gì.

Quảng cáo

SEA Games tổ chức tại Việt Nam, kỳ vọng của bao người đặt lên tôi rất lớn, nhiều khi tôi cảm thấy bị áp lực. Thi đấu ở sân nhà, sự cổ vũ của khán giả quá nhiệt tình, khiến tôi mất bình tĩnh”, cô giải thích lí do “trắng tay” tại giải đấu lớn. Khi ấy, “công chúa” mới ở tuổi 16. Một năm sau, năm 2004, các vận động viên trong đội của Thu Hà đều xin ra ngoài theo học riêng hoặc hướng về cuộc sống riêng, chỉ còn cô trụ lại, tâm lí chán nản dâng lên. Nhưng cha mẹ cô và huấn luyện viên không muốn cô dừng lại. Hà tập một thầy một trò, đã vậy cô còn phải ở ghép với những vận động viên thể dục dụng cụ, rồi lại chuyển về tập luyện với vận động viên lứa dưới… Không tránh khỏi cảm giác lạc lõng, cô đơn nhưng “công chúa” nén lại, cố gắng luyện tập để tham gia SEA Games 2005, giành huy chương đồng. Tiếp sau, cô tham gia giải vô địch toàn quốc, giành huy chương vàng.

Năm 2006, Thu Hà giã từ sự nghiệp thi đấu trong hào quang. 17 tuổi, cô bắt đầu nghề trợ giảng và trở thành huấn luyện viên, cho đến nay. Mồ hôi, nước mắt tiếp tục rơi, để cho nụ cười được nở. “Công chúa” một thời mong ước được nhìn thấy những vận động viên do mình huấn luyện tự tin và giành thắng lợi ở đấu trường quốc tế, để hai tiếng “Việt Nam” vang lên tự hào.

Phía sau hào quang “công chúa” HLV Thu Hà bên trò cưng, VĐV Nguyễn Hà My .


“Tiên đồng ngọc nữ” của làng thể thao Việt Nam

Nguyễn Thu Hà có mái ấm hạnh phúc. Chồng cô chính là Trương Minh Sang, sinh năm 1982, một huấn luyện viên tài năng của đội tuyển trẻ thể dục dụng cụ nam Việt Nam. Họ lấy nhau năm 2014, sau 10 năm yêu nhau. “Công chúa” thể dục nghệ thuật chia sẻ: Họ yêu nhau từ khi còn là vận động viên.Sự thấu hiểu, cảm thông và động viên nhau trong nghề nghiệp, khiến họ thành cặp đôi không thể tách rời. Trước khi trở thành huấn luyện viên, Trương Minh Sang là cái tên sang giá ở bộ môn thể dục dụng cụ. Anh gặt hái nhiều thành tích, trong đó phải kể đến Huy chương đồng SEA Games 21, Huy chương vàng nội dung đồng đội ở SEA Games 26.

Hai vợ chồng huấn luyện viên đều bận rộn với công việc, họ không có nhiều thời gian dành cho nhau, cho tổ ấm. Vì thế, họ biết nâng niu, trân quí những giờ sum họp gia đình. Từng xuất hiện trong chương trình “Các ông bố nói gì?” (HTV 7), Trương Minh Sang đã gửi đến người vợ của mình những chia sẻ ngọt ngào: “Tôi muốn nói với Hà, tôi luôn yêu cô ấy. Có thể cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực, tôi không thể thường xuyên ôm hôn cô ấy, nói với cô ấy những lời ngọt ngào nhưng những bông hoa tôi mua cho Hà, những gì tôi đang làm cho Hà và gia đình nhỏ của mình đều là tình yêu tôi dành cho cô ấy, được kết tinh, lắng đọng. Tôi muốn nhắn với Hà: Anh yêu em”. Một điều thú vị, ngoài đam mê thể dục dụng cụ, Trương Minh Sang còn có một sở thích khác: Chụp ảnh. “Công chúa” sở hữu nhiều tấm hình đẹp, trong đó, không ít bức được chụp bởi người chồng nổi tiếng.

Năm 2015, Nguyễn Thu Hà- Trương Minh Sang chào đón đứa con đầu lòng. Trước hôm đón tin vui, hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, Trương Minh Sang giận đến độ không về nhà ngủ mà ở lại trường huấn luyện. Thu Hà đến tìm và đưa cho chồng chiếc que với hai vạch, Trương Minh quên hết bực dọc, vỡ òa trong hạnh phúc. Hỏi Thu Hà, có để con trai theo nghiệp của cha mẹ không? Cô nói rằng: Hiện tại, muốn bé tận hưởng tuổi thơ như những đứa trẻ bình thường. Còn tương lai sẽ do con định đoạt.

Đời sống áo cơm của cặp huấn luyện viên Nguyễn Thu Hà- Trương Minh Sang ra sao, là băn khoăn của người hâm mộ. Thu Hà “bật mí” : Họ sống ổn như bao cặp vợ chồng bình thường khác. Ngoài công việc của một huấn luyện viên, “công chúa” còn nhận dạy thêm cho những ai có nhu cầu cần sự mềm dẻo, linh hoạt. Rất nhiều nghề nghiệp trong nghệ thuật, giải trí cần những kỹ năng cơ bản của thể dục nghệ thuật, học trò của Thu Hà có khi là một người mẫu trẻ, cũng có thể là một vận động viên nhí của bộ môn trượt băng nghệ thuật.

Phía sau hào quang “công chúa” Gia đình nhỏ của Thu Hà .


Theo
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam
Giấy phép số: 74/ GP- TTĐT cấp ngày 31/12/2014
Tổng Biên tập: Ngô Đại Quang
Tòa soạn: 20 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 629889696- Fax: (84-4) 629889696
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản