Người tiêu dùng vốn mệt mỏi với các sản phẩm tràn ngập hóa chất trong môi trường sinh hoạt vì thế mỗi khi xuất hiện một mặt hàng có gắn từ "nguồn gốc tự nhiên" mọi người đều vồ vập đón nhận.
Mỹ phẩm trong thời gian gần đây được chia thành hai nhóm: tổng hợp và tự nhiên. Người tiêu dùng đương nhiên tự hiểu về tác hại của các chất liệu tổng hợp và lợi ích quý giá của chất liệu tự nhiên.
Khi phấn má hồng có asen
Từ thập niên 30 của thế kỷ 20, công nghiệp hóa dầu đã tạo bước ngoặt đột phá cho công nghiệp mỹ phẩm, cho ra chất dung môi hòa tan, dưỡng ẩm. Mỹ phẩm trở thành đồ dùng gắn bó thân thiết với mỗi người phụ nữ. Các nhà khoa học Anh ước tính, mỗi người trong chúng ta mỗi ngày phải va chạm với 515 loại hóa chất có trong các loại sản phẩm làm đẹp: trong kem tay 11 loại, trong mascara 29, trong son 33…
Cũng không có gì ngạc nhiên khi các "cocktail" hóa chất đó gây nên hiện tượng khô da, bít tắc lỗ chân lông, dị ứng… Đa số thủ phạm nằm trong nhóm mỹ phẩm chứa các thành phần tự nhiên. Rõ ràng sữa chua có gắn chữ bio có lợi cho sức khỏe hơn các loại sữa chua thông thường. Vậy tại sao với biocosmetica (mỹ phẩm sinh học) lại không như thế? Quả thật người ta đã dùng nguyên liệu tự nhiên để điều chế loại mỹ phẩm này nhưng vẫn không tránh khỏi các chất bổ sung như thuỷ ngân, chì, asen…
Mỹ phẩm sinh học hiện sản xuất theo quy tắc nghiêm ngặt, phải vượt qua một loạt qui trình kiểm tra chặt chẽ về an toàn, nhà sản xuất phải khai thác nguyên liệu cho sản phẩm của họ tại các khu vực môi trường sạch hoặc theo hợp đồng "giữ gìn sinh thái", không vi phạm quy tắc đạo đức trong sản xuất, không tiến hành thử nghiệm trên động vật, không sử dụng màu sắc, hương vị nhân tạo, chất bảo quản.
Các nhà sản xuất chế phẩm sinh học thậm chí còn tạo thành một danh sách "đen" các thành phần tổng hợp như: parabens (chất bảo quản), TEA và DEA (chất nhũ hoá), sodium lauryl sulfate , dầu mỏ, thuốc nhuộm, nước hoa…
3 bất lợi của mỹ phẩm sinh học
Gây dị ứng
Mỹ phẩm tổng hợp, hay đúng hơn các thành phần trong nó - nước hoa, chất bảo quản, thuốc nhuộm -thường gây dị ứng. Trong mỹ phẩm tự nhiên các chất độc nói trên không có hoặc có với một lượng tối thiểu. Nhưng mọi sự phức tạp bắt đầu từ đây. Rất nhiều nguyên liệu tự nhiên là chất gây dị ứng mạnh như cúc hoa, hương thảo, calendula (cúc vạn thọ), nho, cây ngải, mật ong và sáp ong. Vì vậy trước khi mua mỹ phẩm tự nhiên, khách hàng cần dùng thử trên da để xem có phản ứng không.
Hạn sử dụng quá ngắn
Mỹ phẩm tự nhiên thông thường có hạn dùng từ 2-12 tháng. Có những sản phẩm chỉ định bảo quản trong tủ lạnh. Nếu như chất liệu của vỏ hộp kem đó không được tốt, chất lượng kem cũng thành độc hại. Hoặc nếu như trước khi đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm đó không được bảo quản lạnh liên tục, thí dụ loại kem đắp mặt nạ sữa chua sau khi để ở nhiệt độ cao các vi khuẩn đã xuất hiện, khi được bôi lên da sẽ gây nhiều phản ứng bất lợi.
Chỉ cần sơ sảy, kem tự nhiên trở thành chất độc hại da và sức khỏe. Sản phẩm tự nhiên có giá thành cao, thời hạn ngắn, nếu chúng ta không không sử dụng kịp sẽ thành lãng phí, tốn tiền vô ích.
Dễ nhiễm khuẩn
"Tự nhiên" không có nghĩa là "sạch". Nguyên liệu chế tạo mỹ phẩm tự nhiên có ít chất gây ô nhiễm hơn nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Một ví dụ điển hình: lanolin, "sáp lông", được sản xuất trong thời gian rửa lông cừu. Ở dạng tự nhiên loại lông này chứa một lượng lớn hóa chất sau đó được chế biến với chất dung môi.
Chỉ dẫn trên bao bì
Với 1 từ "bio" không đảm bảo sản phẩm đó hoàn toàn chất lượng. Một hãng mỹ phẩm có uy tín sẽ có kinh phí cao cho sản phẩm được thử nghiệm lâm sàng. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Tất cả được liệt kê theo thứ tự giảm dần. Nếu nguyên liệu hoa cúc hay calendula ở vị trí cuối trong danh sách "Thành phần" thì có thể yên tâm rằng hai chất dễ gây dị ứng này chỉ có mặt với hàm lượng tối thiểu.
Một dấu hiệu cho thấy một sản phẩm chất lượng là ở bao bì. Mỹ phẩm tự nhiên thường được bảo quản trong lọ thuỷ tinh, lọ sứ hoặc lọ nhựa phân hủy sinh học. Nếu được đóng trong lọ nhựa, tuýp tráng thiếc… thì bạn có lý do để nghi ngờ về chất lượng.