Nguyên do gây chứng COVID-19 kéo dài và cách điều trị

Hai năm sau đại dịch COVID-19, các câu hỏi về chứng COVID-19 kéo dài vẫn nhiều hơn những câu giải đáp.
Nguyên do gây chứng COVID-19 kéo dài và cách điều trị


Đơn cử như tại sao một số người phát triển các triệu chứng COVID-19 kéo dài — thường sau khi chỉ bị triệu chứng nhẹ khi mắc bệnh và đôi khi ngay cả sau khi được tiêm chủng — trong khi những người khác hồi phục hoàn toàn sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2?

Tại sao chứng COVID-19 kéo dài xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ? Làm thế nào mà chứng COVID-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ thể, gây ra các triệu chứng từ sương mù não, đau khớp đến kiệt sức?

COVID-19 kéo dài có phải là một chẩn đoán đơn lẻ, hay nên được hiểu đúng hơn là một thuật ngữ bao trùm cho một loại bệnh, gây ra bởi một loạt các tác động đa dạng về mặt sinh học của virus? Hoặc, chứng này thực sự có thể là một biểu hiện mới của bệnh?

Một loạt các nghiên cứu gần đây, một số đã được xuất bản, và một số khác hiện đang trải qua quá trình thực hiện, đã và đang tìm cách giải thích tại sao hàng triệu người bị chứng COVID-19 kéo dài. Mỗi bệnh nhân đóng góp một phần thông tin nhỏ, giúp xây dựng hiểu biết khoa học về căn bệnh này, từng chút một.

Mặc dù vậy, ngay cả khi nhiều nghiên cứu đã và đang được tiến hành, số lượng người sống với chứng COVID-19 kéo dài tăng lên mỗi ngày, trong khi vẫn có rất ít phương pháp điều trị được đưa ra "Các bệnh nhân đang thúc đẩy một câu trả lời về vấn đề này" - bà Christina Martin, một y tá điều hành Phòng khám Hội chứng COVID-19 kéo dài sau cấp tính của Trung tâm Y tế Dartmouth-Hitchcock ở New Hampshire (Mỹ) cho biết.

Nguyên nhân gây ra chứng COVID-19 kéo dài

Trong hàng chục nghiên cứu về chứng COVID-19 kéo dài đã được công bố trong những tháng gần đây, có thể được phân loại thành hai nhóm. Một nhóm khám phá những gì bất thường trong cơ thể gây ra các triệu chứng COVID-19 kéo dài, trong khi nhóm kia tìm cách xác định những cá nhân nào có nguy cơ phát triển tình trạng này cao nhất.

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành Nature vào ngày 7/3, cho thấy rằng SARS-CoV-2, loại virus gây ra bệnh COVID-19, có thể làm tổn thương não — ngay cả ở những người chỉ có triệu chứng bệnh nhẹ. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài bao gồm suy giảm nhận thức, mất khứu giác và viêm hệ thần kinh.

Tương tự như vậy, nghiên cứu sắp được trình bày tại Đại hội Châu Âu về vi sinh lâm sàng và các bệnh truyền nhiễm vào tháng 4 tới cho thấy rằng tổn thương dây thần kinh phế vị - kéo dài từ não xuống thân - là nguyên nhân gây ra nhiều triệu chứng COVID-19 kéo dài. Sau khi nghiên cứu gần 350 bệnh nhân mắc chứng COVID-19, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 66% có các triệu chứng cho thấy tổn thương dây thần kinh phế vị, bao gồm nhịp tim bất thường, chóng mặt và các vấn đề về đường tiêu hóa. Một nghiên cứu khác gần đây, được công bố ngày 1/3 trên tạp chí chuyên ngành "Neurology: Neuroimmunology and Neuroinflammation", cũng chỉ ra tổn thương dây thần kinh có khả năng là thủ phạm gây ra nhiều triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Nhưng đối với một tình trạng phức tạp như chứng COVID-19 kéo dài, có liên quan đến hơn 200 triệu chứng khác nhau, có thể sẽ không có một nguyên nhân duy nhất. Tiến sĩ chuyên ngành truyền nhiễm Gemma Lladós thuộc BV Trias i Pujol ở Tây Ban Nha, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu dây thần kinh phế vị cho biết, tổn thương dây thần kinh có thể giải thích cho nhiều trường hợp, nhưng hầu như chắc chắn không thể giải thích tất cả.

Hệ thống mạch máu là một lĩnh vực đang thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh hóa vào tháng Hai lập luận rằng các "vi khe" nhỏ trong máu có thể gây ra nhiều triệu chứng COVID-19 kéo dài bằng cách ngăn cản oxy đến các mô của cơ thể. Tương tự, một bài báo được xuất bản trên tạp chí Chest vào tháng Giêng cho thấy một dấu hiệu của chứng COVID-19 kéo dài có thể liên quan đến việc cung cấp oxy kém.

Các nhà nghiên cứu khác đưa ra giả thuyết rằng tàn tích của virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong cơ thể, có khả năng gây ra các triệu chứng kéo dài. Cũng có thể đối với một số người, COVID-19 đẩy hệ thống miễn dịch vào trạng thái tăng động, về cơ bản khiến hệ thống miễn dịch tự tấn công.

Giả thuyết đó gắn liền với một bài báo được xuất bản trên tạp chí Cell vào tháng Giêng, đã cố gắng giải thích tại sao một số người phát triển chứng COVID-19 kéo dài và những người khác thì không.

Quảng cáo

Nguyên do gây chứng COVID-19 kéo dài và cách điều trị

Việc biết về các yếu tố nguy cơ chưa giúp ích được gì nhiều cho những người đã mắc chứng COVID-19 kéo dài

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bốn yếu tố nguy cơ chính liên quan đến việc phát triển chứng COVID-19 kéo dài:

- Chứng tiểu đường tuýp 2
- Vật chất di truyền từ virus SARS-CoV-2 trong máu
- Bằng chứng về virus Epstein-Barr trong máu
- Sự hiện diện của các tự kháng thể — các phân tử tấn công các mô của chính cơ thể, thay vì các mầm bệnh ngoại lai như virus

Ông James Heath, chủ tịch Viện Sinh học Hệ thống Seattle (Mỹ) – người tham gia nghiên cứu nói rằng phát hiện tự kháng thể là quan trọng nhất, một phần vì nó cho thấy sự tương đồng có thể có giữa chứng COVID-19 kéo dài và bệnh lupus tự miễn. Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh lupus, nhưng "có những phương pháp điều trị hiện có thể hiệu quả. Vì vậy, đó sẽ là điều đáng để xem xét trong việc tìm ra phương pháp chữa trị đối với bệnh nhân bị chứng COVID-19 kéo dài" – ông Heath nói.

Việc phát hiện ra virus SARS-CoV-2 hoặc Epstein-Barr trong máu có thể dự đoán một số trường hợp mắc chứng COVID-19 kéo dài.

Vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả

Tuy nhiên, những thông tin trên mới chỉ là giả thuyết. Theo các nhà khoa học, cho đến khi có nhiều nghiên cứu hơn được thực hiện, việc biết về các yếu tố nguy cơ chưa giúp ích được gì nhiều cho những người đã mắc chứng COVID-19 kéo dài.

Bệnh nhân thường hỏi về các nghiên cứu mà họ đã đọc về các yếu tố nguy cơ về chứng COVID-19 kéo dài. Và các bác sĩ chỉ có thể cho biết rằng hiện chưa vẫn có cách điều trị hiệu quả cụ thể nào.

Tiến sĩ Jeffrey Parsonnet, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm cho biết: "Một trong những điều lớn nhất mà chúng tôi cung cấp cho các bệnh nhân gặp chứng COVID-19 kéo dài là sự thông cảm và hiểu biết về nó".

Theo các bác sĩ, việc hiểu rõ hơn về các yếu tố nguy cơ có thể hữu ích nếu những người dễ bị tổn thương tìm kiếm sự chăm sóc ngay sau khi họ có kết quả dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, tự kháng thể hoặc tải lượng virus trong máu không phải là điều mà một người bình thường có thể biết là họ mắc phải.

Tiến sĩ Onur Boyman, một nhà miễn dịch học lâm sàng tại Đại học Zurich, không đồng ý với điều này. Ông là đồng tác giả của một bài báo gần đây nói về các yếu tố nguy cơ đối với chứng COVID-19 kéo dài, được xuất bản vào tháng Giêng trên tạp chí chuyên ngành Nature Communications. Tiến sĩ Boyman phát hiện ra rằng những người lớn tuổi, những người có tiền sử bệnh hen suyễn và những người có mức độ thấp của một số loại globulin miễn dịch (một loại kháng thể) có nguy cơ mắc chứng COVID-19 kéo dài cao hơn. Những người trải qua nhiều triệu chứng khác nhau trong lần nhiễm COVID-19 cấp tính của họ cũng có nguy cơ cao hơn những người có ít triệu chứng.

Việc xét nghiệm mức độ immunoglobulin khá dễ dàng và không tốn kém. "Nếu bạn là bệnh nhân lớn tuổi và/hoặc có tiền sử bệnh hen suyễn, thì bạn có thể đo nồng độ immunoglobulin của họ. Nếu những con số đó cũng tương đối thấp, thì bạn có nguy cơ phát triển chứng COVID-19 kéo dài cao"- TS Boyman cho biết.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị nhiễm bệnh đã được chủng ngừa ít có nguy cơ mắc chứng COVID-19 kéo dài hơn một nửa so với những người không được tiêm chủng.

Cá nhân hóa cách điều trị

Ngay cả khi các nghiên cứu không chuyển ngay sang các phương pháp điều trị, điều quan trọng là phải hiểu cách thức hoạt động của một căn bệnh và những ai bị ảnh hưởng. Điều đó đặc biệt đúng đối với một điều kiện bệnh phức tạp như chứng COVID-19 kéo dài. TS Boyman cho biết, nếu có các biểu hiện khác nhau của chứng COVID-19 kéo dài, điều này có thể dẫn đến việc chăm sóc bệnh nhân được cá nhân hóa hơn.

Chứng COVID kéo dài cũng là một phần của mạng lưới các bệnh mãn tính rộng lớn hơn. Chứng bệnh này dường như có liên quan tới chứng viêm cơ tủy xương / hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME / CFS) —một tình trạng có thể xảy ra sau các bệnh do virus và dẫn đến suy kiệt — đến mức một số bệnh nhân bị chứng COVID-19 kéo dài được chẩn đoán mắc ME / CFS.

Các tình trạng mãn tính phức tạp như ME / CFS, bệnh Lyme mãn tính và đau cơ xơ hóa đã xuất hiện từ rất lâu trước khi COVID-19 tồn tại và ảnh hưởng đến hàng triệu người chỉ riêng ở Mỹ, nhưng trước đây chúng không nhận được nhiều tài trợ nghiên cứu hoặc sự quan tâm từ y tế chính thống cộng đồng.

Khoa học đang tiến bộ, nhưng sự tiến bộ đó dường như chậm một cách đáng tiếc đối với các bệnh nhân gặp chứng COVID-19 kéo dài và những người bị bệnh do virus khác gây ra trước đó. Có thể mất nhiều năm để các giả thuyết biến thành giải pháp — trong khi những bệnh nhân bị chứng COVID-19 kéo dài khó có thể lấy lại sức khỏe của mình.

Theo
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam
Giấy phép số: 74/ GP- TTĐT cấp ngày 31/12/2014
Tổng Biên tập: Ngô Đại Quang
Tòa soạn: 20 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 629889696- Fax: (84-4) 629889696
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản