Nhưng đại dịch sẽ kết thúc như thế nào? Giới chuyên gia vừa đưa ra dự đoán mới nhất về thời điểm kết thúc đại dịch kinh hoàng này.
Nhà khoa học Erica Charters của Đại học Oxford, người nghiên cứu vấn đề này cho biết: "Sự kết thúc đại dịch là một quá trình dài, bao gồm các loại kết thúc khác nhau có thể không xảy ra cùng một lúc. Trong đó, bao gồm "kết thúc y tế" khi bệnh tật thuyên giảm, "kết thúc chính trị", khi các biện pháp phòng ngừa của chính phủ chấm dứt và "kết thúc xã hội" khi mọi người quay trở lại cuộc sống bình thường".
Tại Mỹ, nhiều người cho rằng thời điểm kết thúc đại dịch đã cận kề. Tới nay, đã có khoảng 65% người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, và khoảng 29% được tiêm mũi tăng cường. Tỉ lệ mắc mới tại quốc gia này đã giảm trong gần hai tháng qua, với mức trung bình mắc mới hàng ngày giảm khoảng 40% chỉ trong tuần trước. Số người nhập viện cũng giảm mạnh, giảm gần 30%. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng đã đến lúc mọi người quay trở lại văn phòng và bình thường lại cuộc sống như thời trước đại dịch.
Nhưng đại dịch này đầy bất ngờ, kéo dài hơn hai năm và gây ra cái chết cho gần 1 triệu người ở Mỹ và hơn 6 triệu người trên khắp thế giới, theo các báo cáo. Một số chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng các đại dịch trong quá khứ nhằm có thể rút ra dự đoán chính xác về sự kết thúc của đại dịch COVID-19 có thể diễn ra như thế nào.
Cách đây đúng 2 năm, vào ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là một đại dịch và nói rằng sẽ quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế kết thúc đến khi nào các quốc gia chứng kiến sự giảm đủ số ca bệnh, hoặc ít nhất là số ca nhập viện và tử vong.
Tuy nhiên, đến nay, WHO vẫn chưa công bố thời điểm đại dịch kết thúc. Trong một cuộc họp báo vừa diễn ra trong tuần này, trước các câu hỏi về sự kết thúc có thể xảy ra của đại dịch, các quan chức WHO cho biết còn rất nhiều việc cần phải hoàn thành trước khi thế giới có thể lật sang trang mới.
Các trường hợp mắc COVID-19 đang giảm dần ở Hoa Kỳ và giảm 5% trên toàn cầu trong tuần trước. Nhưng các ca bệnh đang gia tăng ở một số nơi, bao gồm Vương quốc Anh, New Zealand và Hồng Kông.
Tiến sĩ Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ, thuộc WHO, cho biết người dân ở nhiều quốc gia đang rất cần vaccine và thuốc men. Riêng ở Mỹ Latinh và Caribe, hơn 248 triệu người chưa được tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên và các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp có khả năng sẽ chứng kiến sự gia tăng bệnh tật, nhập viện và tử vong trong tương lai, theo bà Etienne.
Tiến sĩ Ciro Ugarte - Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe của PAHO cho biết: "Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch này. Chúng ta vẫn cần tiếp cận đại dịch một cách thận trọng".