Đã đến lúc ngành dược liệu Việt cần một cuộc tổ chức lại căn cơ và đồng bộ – từ giống cây, vùng trồng, chế biến sâu đến thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Thừa tiềm năng – Thiếu hệ thống

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thực vật dược liệu phong phú nhất Đông Nam Á, với hơn 5.000 loài cây thuốc. Tuy nhiên, người trồng dược liệu lại thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, hoặc “trồng rồi để không” do không có đầu ra ổn định.

Tại Tọa đàm “Thị trường dược liệu Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” trong khuôn khổ Festival Tinh hoa Đông y Dược Việt Nam 2025, nhiều chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa không nằm ở thiếu cây thuốc, mà là thiếu một chuỗi giá trị hoàn chỉnh và minh bạch.

Chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm tại Festival Tinh hoa Đông y Dược Việt Nam 2025.

TS. Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, cho biết: “Mỗi năm chúng ta cần khoảng 60.000 tấn dược liệu, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 25%, còn lại chủ yếu phải nhập từ Trung Quốc.” Trong khi đó, số lượng vùng trồng đạt chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu) ở Việt Nam vẫn còn quá ít và phân bố không đồng đều.

GS.TS Nguyễn Văn Nội nhấn mạnh: “Chúng ta không thiếu cây thuốc, mà thiếu cách làm bài bản. Từ giống, canh tác, thu hoạch đến bảo quản – tất cả đều đang rời rạc.” Thực trạng này khiến chất lượng dược liệu không ổn định, khó thâm nhập vào các nhà máy sản xuất hiện đại, cả trong nước lẫn quốc tế.

Tạo “hộ chiếu” cho dược liệu Việt

Việc xuất khẩu dược liệu cũng đang gặp nhiều rào cản lớn. TS. Trần Quang Đại – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đông y Dược Việt Nam – nêu dẫn chứng: “Thị trường thuốc của Nhật Bản lên tới 120 tỷ USD, nhưng dược liệu nhập từ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 11 triệu USD.”

Tham quan gian hàng tại Festival Tinh hoa Đông y Dược Việt Nam 2025.

Nguyên nhân không chỉ do thiếu chuẩn hóa mà còn bởi sự khác biệt trong hệ thống tiêu chuẩn của từng quốc gia. Bà Nguyễn Thị Hương Liên – Phó Tổng Giám đốc Công ty Sao Thái Dương – chia sẻ kinh nghiệm: để đưa sản phẩm thảo dược ra thế giới, doanh nghiệp phải chứng minh hiệu quả lâm sàng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tối ưu bài thuốc theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vấn đề vùng trồng cũng rất quan trọng. “Cùng là sâm Ngọc Linh nhưng trồng ở vùng A hay B có thể cho ra hoạt tính sinh học chênh nhau gấp nhiều lần,” GS. Nội lưu ý, cho thấy việc khảo sát thổ nhưỡng và điều kiện sinh trưởng là yếu tố cốt lõi để nâng giá trị dược liệu Việt.

Xây chợ dược liệu sạch, lập liên minh tiêu thụ

Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đồng tình là xây dựng “chợ dược liệu sạch” – nơi chỉ buôn bán các sản phẩm đạt kiểm nghiệm, có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng. TS. Dương Quốc Sỹ khẳng định: “Nếu không có nơi kiểm chứng chất lượng, người trồng sẽ mất niềm tin, người tiêu dùng sẽ mất niềm tin, và cả ngành sẽ tụt hậu.”

Gian hàng của doanh nghiệp tham gia Festival Tinh hoa Đông y Dược Việt Nam 2025.

Bên cạnh đó, việc thành lập liên minh doanh nghiệp dược liệu cũng là chìa khóa để định hình thị trường, đảm bảo đầu ra, giảm thiểu rủi ro về giá cả và vốn đầu tư. “Chúng ta cần đi cùng nhau để đi xa. Từng hộ nông dân, từng HTX không thể tự bơi trong thị trường quá rộng và khắt khe,” TS. Đại nhấn mạnh.

Từ tâm huyết đến hành động: Bắt đầu từ Tuần Châu Hà Nội

Trên nền thực tiễn đó, Tập đoàn Đông Y Dược Việt Nam đã khởi động một đề án mang tính chiến lược: xây dựng Trung tâm Đông Y Dược tại khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Nội – dưới chân núi Thầy linh thiêng. Tại đây, các công trình đồng bộ đã hình thành: khu chăm sóc sức khỏe kết hợp y học cổ truyền với công nghệ số và AI, khu triển lãm 10.000m² cho sản phẩm dược liệu và thương mại điện tử, bảo tàng cây thuốc, công viên danh y…

Lương y Nguyễn Anh Tuấn trao đổi
ý tưởng về chế biến dược liệu từ sơ mướp với GS TS Nguyễn Văn Nội.
Đặc biệt, sự kiện ký kết chiến lược giữa Tập đoàn và các đơn vị như Viện Dược liệu – Bộ Y tế, Tập đoàn Dương Tử Giang (Trung Quốc), Công ty Sao Thái Dương, cùng với tỉnh Thái Nguyên – hướng tới hình thành vùng trồng nguyên liệu đạt chuẩn GACP, khu công nghệ chế biến và trung tâm nghiên cứu quốc tế.

Thay lời kết: Một ngành hàng chiến lược, không thể để “tự phát”

Ngành dược liệu Việt Nam không chỉ là một phần của y học cổ truyền, mà còn là một ngành hàng chiến lược, gắn với phát triển nông nghiệp xanh, bảo tồn tri thức bản địa, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng sâu vùng xa.

Muốn phát triển, cần một cuộc tổ chức lại toàn diện: từ chính sách, vùng trồng, chế biến, đến thị trường và khoa học hóa bài thuốc. Và như TS. Đại đã khẳng định: “Giá cả không phải rào cản nếu chúng ta làm bài bản. Muốn đi xa – phải đi cùng nhau.”