Cách dùng kem chống nắng đúng chuẩn tránh mắc bệnh về da

Kem chống nắng là vật bất ly thân của rất nhiều người trong mùa hè nắng nóng chói chang như hiện nay. Tuy nhiên, việc dùng kem chống nắng như thế nào để đạt hiệu quả thì không phải ai cũng biết. Và với trẻ nhỏ, liệu có cần dùng kem chống nắng hay không, liều lượng thế nào? BS. Hoàng Văn Tâm, BV Da liễu Trung ương sẽ có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Bên cạnh lợi ích, những tác hại của ánh nắng với sức khỏe làn da từ lâu đã được các chuyên gia y tế cảnh báo. Trong ánh nắng chứa rất nhiều tia cực tím (UVA, UVB), còn gọi là tia tử ngoại khiến da bị tổn thương và dẫn đến ung thư da. Các tia cực tím của ánh nắng cũng gậy tổn thương da và đẩy nhanh tốc độ lão hóa và tăng sắc tố tối màu trên da, dẫn tới sạm da, nếp nhăn, khô da, nám da và tàn nhang trên da...

Do đó, việc dùng kem chống nắng là biện pháp tốt để ngăn chặn tác hại của ánh nắng mặt trời. BS. Hoàng Văn Tâm, BV Da liễu Trung ương cho biết, kem chống nắng hiện nay được dùng rất phổ biến, nhưng vẫn có những sai lầm khiến làn da chị em không được bảo vệ đúng cách. Người dân cần thực hiện cách sử dụng kem chống nắng đúng cách như sau:

2-3 tiếng cần bôi kem chống nắng 1 lần

Rất nhiều người nghĩ rằng chỉ cần bôi kem chống nắng một lần vào buổi sáng là có thể chống nắng cho cả ngày. Tuy nhiên theo BS. Tâm đây là quan niệm sai lầm phổ biến của chị em hiện nay. Trong khi đó, khuyến cáo chuẩn nhất là cứ 2 – 3 tiếng, chị em cần phải bôi lại kem chống nắng một lần.

"Theo lý thuyết, 1 SPF bảo vệ da khỏi tia cực tím trong trong 10 phút. Sử dụng kem có SPF 15 sẽ bảo vệ được da trong 150 phút (2, 5 giờ đồng hồ), SPF 50 là 500 phút. Tuy nhiên điều này chỉ để ước tính cơ bản nhất, thời gian bảo vệ của kem chống nắng còn phụ thuộc loại da, cường độ ánh sáng mặt trời, lượng kem sử dụng... Chính vì vậy, cứ 2 – 3 tiếng bạn cần bôi lại kem chống nắng một lần để có tác dụng bảo vệ tốt nhất"- BS. Tâm phân tích.

Cách dùng kem chống nắng đúng chuẩn tránh mắc bệnh về da Cần bôi kem chống nắng để tránh các tác hại do ánh nắng gây ra..

Bôi đủ liều lượng, khoảng 2mg/cm2

Việc bôi kem chống nắng không đủ liều cũng là sai lầm thường gặp. Theo BS. Tâm, dùng kem chống nắng phải dùng đủ liều, đúng với tuýp da. Nhiều chị em bôi kem chống nắng không đủ liều, lớp quá mỏng nên tác dụng giảm đi rất nhiều.

"Với một người cao 1,63m, nặng 68kg, bôi kem chống nắng toàn thân cần khoảng 30g một lần, còn với vùng mặt cần từ 1/4 – 1/3 thìa cà phê kem chống nắng. Nếu chỉ bôi được 1/2 hoặc 1/4 lượng cần thiết thì tác dụng chống nắng giảm đi rất nhiều. Ví dụ nếu chỉ dùng được 1/2 lượng cần thiết của kem chống nắng SPF 30 thì SPF giảm tới 5 – 6 lần.

Quảng cáo

Vì vậy, để chống nắng hiệu quả, bôi đủ lượng kem là vô cùng quan trọng để đạt được tác dụng tối ưu. Lượng kem chống nắng đủ theo FDA khuyến cáo là: 2mg/cm2"- BS. Tâm tư vấn.

Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 30 phút

Nhiều người coi kem chống nắng như một lớp trang điểm ngoài cùng, nên sau khi mặc đồ, sử dụng mỹ phẩm, kem chống nắng xong là tức tốc ra ngoài. Trong khi đó, thường phải bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 30 phút kem mới mang lại tác dụng. Và hãy luôn nghi nhớ cứ 2 – 3 tiếng bạn cần phải bôi lại kem chống nắng một lần, kể của khi bạn dùng kem chống nắng có chỉ số SPF cao.

Vì nhiều người cho rằng, chỉ số chống nắng càng cao, chống nắng càng tốt nhưng đây chỉ là 1 phần. Thực tế, kem chống nắng SPF 30 có thể bảo vệ được 97%, thì SPF 50 hiệu quả bảo vệ tăng lên 98%. “Chỉ số SPF không khác nhau hiệu quả chống nắng, mà khác thời gian bảo vệ chống nắng” - BS Tâm nói.

Cách dùng kem chống nắng đúng chuẩn tránh mắc bệnh về da

Bôi kem chống nắng cả khi ở trong nhà

Theo BS. Tâm, kể cả trời nhiều mây, hoặc khi ở trong nhà, tia UV vẫn làm hại da bạn. Vì thế, hãy dùng kem chống nắng hàng ngày, chứ không chỉ dành riêng cho ngày nắng. Bạn cũng cần chọn kem chống nắng phổ rộng chống được cả tia UVA và UVB, với chỉ số chống nắng SPF ít nhất từ 15 trở lên, đặc biệt với bệnh nhân có rám má, tàn nhang, nên từ 30 trở lên. Cũng cần chọn loại kem chống nắng phù hợp với tính chất làn da của bạn.

BS. Tâm cũng nhấn mạnh thêm, không một loại kem chống nắng nào có thể bảo vệ 100% khỏi tia cực tím gây hại. Vì thế, ngoài kem chống nắng, bạn hãy mặc quần áo dài che nắng, đội mũ rộng vành, dùng kính chống nắng và hạn chế ra ngoài nắng vào giờ cao điểm của tia cực tím (từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều).

Trẻ em có cần dùng kem chống nắng?

Theo BS. Hoàng Văn Tâm, nhiều người băn khoăn không biết nên chọn kem chống nắng cho trẻ như thế nào, bởi sợ da trẻ kích ứng. Vì thế, một số phụ huynh không cho trẻ dùng kem chống nắng khiến da trẻ đen nhẻm sau ngày hè. Tuy nhiên, đen da chỉ là cái nhìn thấy trước mắt, việc bị cháy nắng để lại nhiều nguy hại cho làn của trẻ.

Trẻ em bị cháy nắng 1 lần nghiêm trọng sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư da sau này. Vì thế, với trẻ trên 6 tháng tuổi, việc dùng kem chống nắng thực hiện như người lớn. Ưu tiên sử dụng kem chống nắng vật lý chứa titanium dioxide và zinc oxide do ít gây kích ứng và không hấp thụ vào da.

Đối với trẻ 6 tháng, ưu tiên các phương pháp tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp. Khi chọn kem chống nắng cho trẻ, nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng, chống được cả UVB và UVA, SPF từ 15 trở lên và tốt nhất là từ 30 trở lên.

Hãy ghi nhớ trẻ cần dùng kem chống nắng hàng ngày; Kể cả trời nhiều mây bởi vì 80% tia UV vẫn gây hại cho làn da. Cần chú ý cát, nước, băng tuyết gây phản xạ tia UV nên cần tăng nhu cầu sử dụng kem, đặc biệt hãy dùng kem chống nắng không bị trôi khi xuống nước để bảo vệ làn da trẻ.

Đặc biệt, với những ngày hè đi biển, cha mẹ càng cần phải chú ý chống nắng cho trẻ. Hãy luôn ghi nhớ, bôi kem chống nắng 2 - 3 tiếng một lần, bôi đủ liều để trẻ được chống nắng tốt nhất. Không cho trẻ chạy nhảy, bơi lội vào thời điểm nắng gay gắt để phòng cháy da, cũng phòng các nguy cơ cảm nắng cho trẻ.

Theo
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam
Giấy phép số: 74/ GP- TTĐT cấp ngày 31/12/2014
Tổng Biên tập: Ngô Đại Quang
Tòa soạn: 20 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 629889696- Fax: (84-4) 629889696
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản