Ngành tinh dầu, hương liệu và mỹ phẩm nỗ lực vượt khó
Theo Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA), những năm gần đây, đời sống, thu nhập của người dân đã được cải thiện nên nhu cầu đối với các sản phẩm có liên quan đến sức khỏe và làm đẹp được gia tăng. Sản xuất chế biến sản phẩm tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm đã có sự tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư công nghệ chế biến và phát triển nguồn nguyên liệu, dược liệu. Thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam với gần 100 triệu dân đang được đánh giá có nhiều tiềm năng.
Với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các cá nhân tại Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm, những năm qua VOCA đã có nhiều đóng góp thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực tinh dầu, hương liệu, dược liệu, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm…, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Ngành sản xuất mỹ phẩm, hương liệu trong nước trước sức ép cạnh tranh
Cũng theo VOCA, bên cạnh những thuận lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú; sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của Chính phủ, các ban, ngành,… thì ngành tinh dầu, hương liệu và mỹ phẩm vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là hầu hết các ngành kinh tế, kỹ thuật đều đã có quy hoạch phát triển ngành được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ chuyên ngành nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy hoạch phát triển của ngành hương liệu, tinh dầu, mỹ phẩm.
Thêm vào đó, giai đoạn đại dịch COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến mọi hoạt động của ngành tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm. Sau đại dịch tuy ngành đã dần có sự phục hồi nhưng vẫn phải đối mặt với những khó khăn khi bị đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất với giá vật tư đầu vào tăng cao và đầu ra lại khó khăn tiêu thụ.
Đồng thời, các vùng dược liệu chưa được quy hoạch đúng tầm, vùng trồng cây tinh dầu như quế, hồi, thảo quả, sả, bạc hà, húng quế, gừng... chưa đạt mức quy mô công nghiệp, kỹ thuật trồng trọt, thu hái, bảo quản và chưng cất tinh dầu chủ yếu vẫn tổ chức theo kiểu truyền thống.
Bên cạnh đó, sự phối hợp gắn kết giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học với cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng, giữa các bộ phận, các lĩnh vực của VOCA còn chưa tốt (chưa định được chương trình, kế hoạch với sự phân công hợp lý nhằm tạo được chuỗi sản phẩm có giá trị cao) hạn chế việc phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh của các hội viên là thành viên của hiệp hội, khiến cho hoạt động của hiệp hội gặp khó khăn.
Đặc biệt, thị phần mỹ phẩm nước ngoài nước ngoài chiếm phần lớn so với mỹ phẩm được sản xuất trong nước (mỹ phẩm ngoại chiếm thị phần 60%-70%). Song song đó, những sản phẩm kém chất lượng không rõ nguồn gốc, thậm chí có loại mỹ phẩm chứa chất độc gây hại cho sức khỏe con người cũng tràn lan, gây ảnh hưởng lớn đến mỹ phẩm chính hãng.
Doanh nghiệp hóa mỹ phẩm Việt nỗ lực vươn lên
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, VOCA với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các cá nhân tại Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm đã không ngừng nỗ lực để hỗ trợ các hội viên.
Theo đó, bên cạnh hỗ trợ, gắn kết các doanh nghiệp, tổ chức hội viên, các viện nghiên cứu thuộc VOCA đã xây dựng cơ sở dữ liệu “date base” cho hơn 1.000 chất tinh dầu Việt Nam; nghiên cứu phát triển kỹ thuật hiện đại trong chưng cất tinh dầu bằng công nghệ enzyme; nghiên cứu quy trình tinh chế và xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu cho tinh dầu trầm hương Việt Nam; nghiên cứu công nghệ sản xuất nhựa dầu gừng và một số gia vị chọn lọc của Việt Nam; nghiên cứu chế tạo Cyclodextrin để sản xuất hương liệu dạng bột dùng cho công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm…
Một số doanh nghiệp thành viên của hiệp hội cũng không ngừng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho bảo vệ sức khỏe cho người dân trong phòng chống dịch bệnh.
Trong đó, Công ty CP Dược liệu Việt Nam (Vietmec) đầu tư cả hai lĩnh vực công nghệ chiết xuất và trồng trọt dược liệu, diện tích vùng dược liệu đã được mở rộng với sự đa dạng.
Công ty đã và đang tập trung đầu tư khoảng trên 80 tỷ đồng cho nhà máy chế biến và chiết xuất 250 loại dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền với công nghệ hiện đại, các loại dược liệu có tinh dầu như đương quy, độc hoạt, xuyên khung, sử dụng dung môi hữu cơ (như cồn Ethylic...) để chiết xuất, được cô dưới áp xuất giảm và cất thu hồi dung môi, chuyển sang thiết bị sấy phun sương công suất lớn để tạo ra dạng bột tinh khiết, cung cấp cho nhu cầu thuốc y học cổ truyền không phải sắc thuốc. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược sản xuất thuốc Đông dược cung cấp cho cả nước.
Công ty cũng đã đầu tư hàng trăm triệu để nhập hạt giống dược liệu từ nước ngoài, và một số giống bản địa trong nước để cung cấp cho nông dân phát triển các vùng trồng dược liệu trên cả nước. Đến nay công ty đã trồng được hàng trăm hecta gồm nhiều loại cây dược liệu quý nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến và chiết xuất của công ty. Công ty đang mở rộng vùng nguyên liệu ở nhiều địa phương như Lâm Đồng, Quảng trị, Thanh Hoá, Mộc Châu, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ,... hướng tới đưa diện tích trồng trọt dược liệu lên trên 500 hecta theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Sản phẩm của Công ty CP Sao Thái Dương
Hay Công ty cổ phần Sao Thái Dương trong những năm qua cũng đã có phát triển mạnh mẽ và bền vững. Gần 100 sản phẩm là dược phẩm, mỹ phẩm của Sao Thái Dương được làm từ nguồn dược liệu tự nhiên, đều được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng và sản xuất trên dây chuyền hiện đại đến từ Nhật Bản và các nước châu Âu.
Quy trình sản xuất và kiểm nghiệm lâm sàng chặt chẽ giúp cho các sản phẩm mang thương hiệu Thái Dương không những hiệu quả mà còn lành tính, an toàn cho sức khỏe, sắc đẹp người Việt Nam. Bởi vậy, đây cũng là một trong số rất ít các đơn vị được vinh danh là doanh nghiệp khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Đến nay, Sao Thái Dương đã sở hữu mạng lưới phân phối trên khắp 63 tỉnh thành khắp Việt Nam, tại các bệnh viện, nhà thuốc và đại lý. Đặc biệt, Sao Thái Dương là một trong số ít doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam có nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và được đón nhận tại các thị trường khó tính Mỹ, Dubai, Nga…
Trong giai đoạn COVID-19, công ty cũng đã đầu tư, nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm góp phần đẩy lùi dịch bệnh thành công.
Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp hóa mỹ phẩm khác thuộc hiệp hội có thành tựu trong lĩnh vực trồng và chiết xuất dược liệu như Traphaco, Mediplantex, Domesco,…
Tuy nhiên, theo đánh giá của VOCA, với tiềm năng thực tế của các thành viên trong hiệp hội, những kết quả nêu trên còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hiệp hội. Do vậy, thời gian tới cần sự gắn kết “hai nhà - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong cùng hiệp hội” để tạo sự phát triển bền vững.