Đôi khi, cô di chuyển tới các nước xa hơn như Thái Lan. "Giá cả ở Johor Bahru rẻ và tôi cũng mua sắm luôn ở đó. Các chuyến đi Bangkok thì như kỳ nghỉ, tôi tranh thủ thực hiện một số phương pháp trị liệu", Ng. chia sẻ.
Cô cho biết chi phí thẩm mỹ tại Malaysia và Thái Lan rẻ hơn Singapore 20-30%. Song đến năm ngoái, khi Covid-19 bùng phát, những người như Ng. phải tìm đến các bệnh viện địa phương. Dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trong nước đột ngột bùng nổ. Đây là hiện tượng không chỉ có ở Singapore.
Tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp đã tăng trưởng 9,2% một năm, đạt doanh thu 10,7 tỷ USD trong năm 2020. Ở Anh, số ca phẫu thuật thẩm mỹ, từ thu nhỏ ngực đến hút mỡ, tăng tới 500% trong thời gian phong tỏa. Song lệnh giãn cách xã hội không phải yếu tố duy nhất thúc đẩy hoạt động của toàn ngành. Bản thân Covid-19 để lại hàng loạt vấn đề mới cho những người vốn quan trọng ngoại hình.
Thời gian đeo khẩu trang kéo dài gây ra mụn trứng cá. Một số lo lắng về tình trạng da không đều màu vì phải sử dụng máy tính xách tay trong thời gian dài. Phẫu thuật cắt mí trở nên phổ biến hơn, bởi mọi người cố gắng cải thiện phần duy nhất trên mặt lộ ra bên ngoài khẩu trang.
Gabriel Tan, bác sĩ nội trú tại Thẩm mỹ viện Dr. Cindy ở Singapore, cho biết liệu trình trị mụn do mặt nạ được ưa chuộng. Nhiều người sẵn sàng phẫu thuật xâm lấn vì biết có thể nằm nhà thời gian dài chờ hồi phục. Matthew Yeo, phó giáo sư dự thính tại Đại học Công nghệ Nanyang, có chung quan điểm.
"Phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phổ biến vì người dân khắp nơi đeo khẩu trang và làm việc tại nhà. Họ có thể giấu đi vết sưng sau mổ một cách thuận lợi. Những người trước đây chưa từng có ý định phẫu thuật cũng cảm thấy đây là cơ hội tốt để thử nghiệm", ông nói.
Tiến sĩ Gabriel Wong, giám đốc y tế của SL Aesthetic Clinic, cho biết khách hàng tìm kiếm dịch vụ điều trị sắc tố da ngày càng nhiều. Điều này là do phụ nữ ít bôi kem chống nắng khi làm việc ở nhà.
"Ngồi gần cửa sổ có ánh nắng, họ vẫn tiếp xúc với tia cực tím nhiều hơn khi đi làm tại văn phòng. Tia cực tím tích tụ gây ra các vấn đề về sắc tố như tàn nhang, đồi mồi và nám", ông giải thích. "Ở nhà, chúng ta nhìn thấy bản thân nhiều hơn, nhất là thông qua các cuộc họp video trực tuyến và có thể sốc trước các dấu hiệu lão hóa bị bỏ quên trong thời gian bận rộn".
Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ tăng lên cùng lúc chính phủ ban hành lệnh hạn chế đi lại khiến những người như Ng. có ít lựa chọn, buộc phải tìm cách điều trị ở địa phương. Theo tiến sĩ Gabriel Wong, trước đại dịch, Thái Lan và Malaysia thu hút những người muốn làm phẫu thuật với chi phí thấp. Trong khi đó, Hàn Quốc là điểm đến lý tưởng đối với người thích văn hóa đại chúng của nước này và muốn thử phương pháp mới lạ, không có ở Singapore. Các thủ thuật chính tại đây cũng có giá rẻ hơn.
Theo tiến sĩ Gabriel Tan, người Singapore ra nước ngoài phẫu thuật thẩm mỹ thường tìm kiếm dịch vụ xâm lấn, bởi chúng tiết kiệm chi phí đáng kể so với các thủ thuật nhỏ hơn. Một số tiến hành các phương pháp không được chấp thuận trong nước, như liệu pháp tế bào gốc. Số khác muốn gặp bác sĩ có chuyên môn sâu, tay nghề cao. Phó giáo sư Matthew Yeo từng thấy các bệnh nhân tới Mỹ, Anh, Hong Kong để làm phẫu thuật thẩm mỹ.
Một trong số đó là Evelyn, 30 tuổi. Năm 2018, cô đến Đài Loan để nâng mũi, cắt mí mắt và ghép mỡ tự thân, dù chi phí đắt hơn ở Singapore. Sau tham khảo ý kiến bạn bè, cô cho rằng bác sĩ tại đây chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Hiện Evelyn sử dụng dịch vụ trong nước vì chúng thuận tiện hơn ở thời kỳ đại dịch. Cô cũng không chắc mình có quay lại các phòng khám ở nước ngoài khi Covid-19 kết thúc hay không.
Theo Song Seng Wun, chuyên gia kinh tế ở Ngân hàng Tư nhân CIMB, lệnh giãn cách xã hội khiến nhiều người Singapore dư giả tiền để chi tiêu cho những món đồ và dịch vụ xa xỉ, bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ. Họ cũng có hiệu ứng tâm lý "tiêu bù", tức là chi tiền mạnh tay như để ăn mừng sau khoảng thời gian phong tỏa. Ông Song lưu ý doanh số bán lẻ không bao gồm mặt hàng xe hơi của cả nước tăng 42,8% so với tháng trước. Sự bùng nổ sẽ duy trì khi ngày càng nhiều người tìm hiểu về thẩm mỹ viện nội địa.
"Khi mọi người không được đi du lịch, họ sẽ đến phòng khám trong nước nhiều hơn. Đó là kịch bản ‘con gà và quả trứng’. Càng nhiều người đến khám, hiệu ứng truyền miệng càng cao, cuối cùng nó trở thành thói quen tiêu dùng", Song giải thích.
Tiến sĩ Wong cũng thấy trước một xu hướng bền vững. Ông lưu ý việc đi lại bằng đường hàng không sẽ đắt đỏ và phức tạp trong thời gian dài, ngay cả sau khi các nước mở cửa biên giới.
Đối với Ng., điều trị trong nước thay vì đến Malaysia và Thái Lan tốn nhiều tiền hơn, nhưng kết quả lại rất "tuyệt vời". Cô đã tiết kiệm được thời gian đi lại, vé máy bay và khách sạn.
"Tôi cảm thấy số tiền tôi phải trả thêm là xứng đáng, dù các thủ tục ở nước ngoài rẻ hơn. Tôi cũng yên tâm vì ngành công nghiệp (thẩm mỹ) ở nước mình được quản lý tốt hơn", cô chia sẻ.