HÀNH TRÌNH KHỨU GIÁC

Nhiều khi, những gì ta cố gắng đi tìm trong cuộc đời là mùi hương của người mà ta cho là một nửa của mình.

Mùi hương có phải là thỏi nam châm tình ái? Viết thư cho Hoàng hậu Joséphine từ nơi chiến trận, Napoleon dặn: "Sắp trở về. Đừng tắm". Rất may cho ngành công nghiệp tỷ đô chế tạo mùi thơm, không nhiều đàn ông có "gu mặn" như vị Hoàng đế Pháp.

Thứ mà Napoleon trẻ tuổi lúc đó mê đắm, mùi hương của người vợ hơn ông 6 tuổi, được giải nghĩa khoa học là những tín hiệu phát đi từ cơ thể do ngoại tiết tuyến sản sinh. Những tín hiệu ấy gọi là "pheromone" - từ ghép của pherein (truyền đi) và hormon (kích thích). Trong nhiều quảng cáo, nước hoa có chứa sex pheromone được các nhãn hiệu khẳng định có khả năng khơi gọi ham muốn cho người dùng như một thứ tình dược tự nhiên.

Nhưng chính bản thân pheromone cũng như tác động của nó đến hành vi ái tình ở người vẫn đương là đề tài cần thêm nhiều nghiên cứu và bằng chứng xác thực. Trong khi ở những loài động vật khác, khoản này khá rõ ràng. Ví dụ phổ biến dễ thấy nhất là loài chó. Nếu một chú chó lạ quấn quít bạn, rất có thể vì trên quần áo bạn đang mặc còn vương mùi cô cún ở nhà. Khứu giác dĩ nhiên là một trong những thiên bẩm vượt trội mà loài chó sở hữu.

Thế nhưng liệu bạn đã bao giờ thắc mắc, với cái mũi thính nhạy như thế, sao chúng lại có xu hướng bị thu hút bởi những thứ có mùi xú uế? Chó, hay các loài vật khác, không phân biệt mùi hương theo cách của con người. Chúng không được dạy để đánh giá.

Từ nhỏ, chúng ta đã được dặn nên hay không nên ngửi cái gì. Ai cũng từng hăm hở hít hà phiêu lưu trong thế giới các loại mùi từ lúc lọt lòng. Phải đến khi bậc phụ huynh ngăn cản ta vui vầy với cái bỉm có "sản phẩm" của mình, ta mới bắt đầu dần ý thức rằng có những mùi gây ra sự khó chịu hơn các mùi khác. Lớn thêm chút nữa, ta được nghiêm túc dặn dò không ăn những đồ có mùi ôi thiu. Lớn thêm chút chút nữa, khi đã có dày dạn trải nghiệm hơn về những loại mùi khó chịu, ta nhận ra không phải tất cả chúng đều là tín hiệu của sự kém hấp dẫn, như sầu riêng Bến Tre hay phô mai mốc Stilton chẳng hạn. Văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong cách thức chúng ta cảm nhận về mùi.

Mũi người có khả năng phân biệt được khoảng một vạn mùi hương. Một trong những điều kỳ diệu về mùi hương là, không giống như tín hiệu hình ảnh hay âm thanh phải đi qua một “trung tâm chuyển tiếp”, phân tử mùi cứ thế từ mũi bay thẳng một mạch lan ra khắp não bộ. Bởi vậy, mùi hương cũng là thứ khiến chúng ta có thể hình thành các phản ứng tức thì, như gợi ra một ký ức, hay một bóng hình... Điều này, đàn ông đã kết hôn có thể chứng minh mà không cần đến những thí nghiệm phức tạp. Hãy thử về nhà mà phảng phất mùi Chanel số 5 trên người mà xem.

Quảng cáo

Ở góc độ khoa học, tuy sở hữu cùng số lượng tế bào thần kinh khứu giác, nhưng, nhìn chung, chúng ta lại không chia sẻ trải nghiệm giống nhau về cùng một mùi. Có người không nhận biết được một số mùi nhất định, có người lại hoàn toàn chẳng ngửi thấy mùi gì. Với những trường hợp khiếm khứu này, vị giác cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Người không ngửi được mùi, về cơ bản, sẽ chỉ nếm được năm vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng khi ăn. Mùi và vị, hai thứ luôn đi cùng với nhau. Như nhạc và lời. Và bởi cảm nhận giác quan của chúng ta là khác nhau, chúng ta có cảm nghĩ khác nhau khi nghe cùng một bài hát. Chúng ta cũng có cảm giác khác nhau khi ngửi cùng một mùi.

Có những người mà chuyên môn của họ là khiến chúng ta giống nhau về trải nghiệm mùi hương nhất có thể. Đó là những nhà làm nước hoa đã nhắc đến ở trên. Không đơn thuần là hóa học, mỗi mùi hương nước hoa là thành quả kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học. Nói một cách cụ thể, đó là sự sắp xếp lớp lang tài tình hàng trăm phân tử mùi hương, lơ lửng trong không khí và cùng lúc đi vào khoang mũi, tạo ra cảm nhận tức thì.

Công nghiệp nước hoa ngày nay sở hữu khoảng 500 phân tử mùi hương tự nhiên và khoảng 1.000 phân tử mùi hương hóa học. Giống như họa sĩ pha màu vẽ và nhạc sĩ chọn nốt ký âm, người làm nước hoa tạo ra mùi hương từ cách kết hợp các phân tử mùi.

Luca Turin, tác giả Bí Mật Của Mùi Hương, cho rằng sự dao động của liên kết phân tử quyết định đến việc tại sao một thứ lại có mùi này mà không phải mùi kia. Theo lý thuyết của Turin, nhà sản xuất có thể tạo ra mùi hương mong muốn nhanh và tiết kiệm hơn rất nhiều bằng cách tính toán ra rung động liên kết phân tử của mùi hương đó.

Có một điều thú vị: mũi không phải nơi duy nhất trên cơ thể có khả năng cảm nhận mùi. Một trong số các cơ quan khác là... thận. Với nhiệm vụ thanh lọc, thận được trang bị thụ thể khứu giác để nhận biết mọi thay đổi hóa học bên trong cơ thể xảy ra với nó, bao gồm các phản ứng lạ do sự xuất hiện của các phân tử mùi. Dẫu thế, việc nói thận "biết ngửi" nghe vẫn thật buồn cười.

Với mùi hương, các thi sỹ, nhạc sỹ chắc chắn không dùng thận mà, nhiều khi, cũng chẳng dùng mũi. Đọc hồi ký giới văn nghệ Việt thường hay thấy nhắc các giai thoại lười tắm. Nhưng văn nghệ sỹ cũng là những người dễ dàng bị lay động, thu hút bởi mùi hương: Em có ngờ đâu trong những đêm / Trăng ngà giãi bóng, mặt hồ êm / Anh đi thơ thẩn như ngây dại / Hứng lấy hương nồng trong áo em (Hàn Mặc Tử); và quyến luyến với mùi hương: Sông đôi lúc gọi tôi về, ấm áp / Dòng tóc nào chung thủy một mùi hương (Du Tử Lê).

Kinh điển vô lý có lẽ là màn đánh ghen mùi hương của thi sĩ Lỡ Bước Sang Ngang: Tôi muốn mùi thơm của nước hoa / Mà cô thường xức, chẳng bay xa. Nhưng làm sao trách nhà thơ. Ngay cả việc chúng ta được sinh ra cũng đã được quyết định bởi mùi hương: thụ thể khứu giác giúp “tinh binh” ngửi thấy nơi có nồng độ phối tử đậm đặc nhất - nơi một nửa của nó đang đợi chờ.

Cuộc đời rất có thể là một hành trình tìm kiếm mùi hương. Có phải vì thế mà muốn sống khỏe hay hạnh phúc, như thiền sư Thích Nhất Hạnh nói, “đầu tiên chúng ta phải biết hít thở”…

Theo Tạp chí Mỹ Phẩm
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam
Giấy phép số: 74/ GP- TTĐT cấp ngày 31/12/2014
Tổng Biên tập: Ngô Đại Quang
Tòa soạn: 20 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: (84-4) 629889696- Fax: (84-4) 629889696
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản