THÁNH ĐỊA MÙI HƯƠNG
Cựu lục địa luôn là vùng đất có nhiều câu chuyện để kể, đặc biệt là cho những kẻ trót đem lòng đam mê lối sống lãng du. Người mê núi rộng sông dài sẽ có những bước chân trong những dãy núi mây mù tuyết phủ, người yêu lịch sử sẽ có hàng ngàn lâu đài trải khắp mọi miền để mải miết với những cuộc phiêu lưu.
Với những tín đồ của mùi hương, nơi đây lại càng là miền đất để đi về, bởi châu Âu thực sự là thủ phủ của thế giới nước hoa hiện đại. Rảo bước đi ngang qua nơi xuất phát của các tên tuổi đình đám trong thế giới hương thơm, cũng là hành trình đắm mình vào văn hoá, lịch sử, con người…
Chuyến hành trình hiếm hoi của một gã yêu những thơm tho và hay bị đam mê lôi kéo bắt đầu từ nơi khai sinh ra nước hoa hiện đại: thủ đô Budapest (Hungary), bước qua nơi tạo ra cái tên lừng lẫy - Koln (Đức) và kết thúc ở “xưởng nước hoa của cả thế giới” – Grasse, (Pháp). Một cuộc hành trình vẹn toàn của các giác quan, được dẫn lối bởi con tim luôn rung động trước những điều nhỏ nhặt nhất.
Budapest, di sản của khởi nguyên
Tôi bước chân đến Budapest trong một ngày tuyệt vời. Một ngày đầu thu, trời cao và trong xanh, vừa hết cái nắng hanh của châu Âu, nhưng vẫn chưa tới những ngày rét mướt. Một ngày lý tưởng cho chuyến du hành, và càng lý tưởng hơn cho những câu chuyện về mùi hương, khi khứu giác chưa bị khí hậu chi phối.
Budapest thì có gì? Nhắc tới Budapest, cũng như nhắc tới Hungary, người ta thường coi đây là “Paris phía Đông”, với ấn tượng về một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu, với những màn sương kỳ ảo phủ xuống thành phố bên bờ sông Danube, những festival náo nhiệt của nghệ thuật, của những đền đài, lầu các cổ kính của thành Var.
Nhưng ít ai nhớ đến rằng, đây cũng chính là nơi xuất phát của huyền thoại “nước thần Hungary”, khởi nguyên của nước hoa hiện đại. Trong dòng lịch sử hàng ngàn năm của mình, ma thuật mùi hương tồn tại dưới nhiều hình dạng, nhưng phổ biến nhất là sử dụng các chế phẩm sản xuất trực tiếp từ thảo mộc để tạo mùi thơm.
Trong khi đó, nước hoa hiện đại là hỗn hợp giữa các chất tạo mùi và dung môi - một điều mà chỉ đến thế kỷ 14, người Hungary mới làm được với thứ “nước thần”, với thành phần được truyền tụng bao gồm chiết suất của hương thảo, húng tây và brandy, mở ra cả một kỷ nguyên mới của thứ nước hoa được sử dụng ngày nay.
Thả bộ trong những con phố cổ kính, trong lối sống chầm chậm của người dân nơi đây, tôi cảm thấy phảng phất dấu ấn của những năm tháng Trung Cổ vàng son trong từng viên gạch. Chuyến hành trình dẫn tôi đến với đại lộ Andrássy, vươn tay gõ cánh cửa gỗ của cửa hàng Madison: đó là nơi dòng thời gian dừng lại, chỉ còn chính mình và những câu chuyện bất tận về nước hoa giữa không gian của những kệ gỗ từ đầu thế kỷ 19.
Madison do Madeleine Florescu sáng lập, người đã có hơn 20 năm làm việc trong ngành mỹ phẩm ở New York, và quyết định mở một cửa hàng nước hoa “không phải bất kỳ loại nào cũng được, phải là những thứ đặc biệt nhất, những cái tên khó tìm kiếm trên thị trường, có tính cách, khác biệt và có những câu chuyện thú vị ẩn sau mùi hương”.
Budapest ngày nay không còn “đậm hương” như kỳ vọng của kẻ lãng du, nhưng vẫn ẩn giấu trong mình nhiều điều thú vị của một điểm khởi nguyên. Mỗi góc phố một ngọn đèn, ở nơi này sẽ có một người kể chuyện, chờ được kể câu chuyện vĩ đại của mùi hương; ở một góc khác, những viên gạch lát đường vẫn lưu giữ dấu chân của những người pha chế nên thứ “nước thần” lừng danh. Tất cả vẫn cứ trầm mặc, như chính thành phố cổ kính này.
Köln, cái tên trở thành thường thức
Từ Budapest, tôi di chuyển hơn một ngàn cây số để đến với thánh địa thứ hai – thành phố Köln, nước Đức. Nếu như để nguyên cái tên Đức của thành phố này có vẻ hơi lạ mắt với mọi người, thì có một phiên bản tên mà gần như ai cũng sẽ biết: “Cologne”. Từ tên một thành phố ở bờ trái sông Rhine, gần với Dusseldorf, cái tên này đã trở thành một danh từ để chỉ một phân loại nước hoa – hỗn hợp mùi hương với nồng độ 2 - 5%, mà không phải ai cũng biết.
Cái tên Cologne nghe Pháp đến vậy - và thực tế thì hình như nhiều người Việt tưởng rằng nước hoa nào thì cũng đến từ nước Pháp, nhưng hoá ra lại xuất phát từ nước Đức, và do một người Ý tạo ra. Vào đầu thế kỷ 18, Giovanni Maria Farina, một nhà điều chế nước hoa đã đem lòng yêu cảnh sắc nơi đây, quyết định coi Köln là quê hương thứ hai của mình. Vẫn vương vấn quê hương hình chiếc ủng, anh tạo ra một thứ nước hoa với hương của sáng xuân nước Ý - mùi của những rặng núi xa và hoa cam nở rộ sau mưa, nhưng vẫn đặt tên là Eau de Cologne.
Thôi thì, ở quê này, nhớ về quê kia, những thứ tình cờ như thế lại tạo ra một huyền thoại.
Ngày nay, Köln là thành phố đông dân thứ tư nước Đức, và dĩ nhiên, không còn cảnh người người chưng cất nước hoa như cách đây hai thế kỷ. Thành phố Köln ngày tôi ghé thăm vẫn xinh đẹp với con sông Rhine xanh ngắt, chiếc cầu khoá tình yêu Hohenzollern lừng danh, hay bảo tàng Ludwig - nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật của Lugwig van Beethoven. Thế nhưng, khác với Budapest, ở Köln vẫn còn những dấu ấn nhắc nhớ đến lịch sử “thơm lừng” của thành phố này: hãy ghé thăm “Johann Maria Farina gegenüber dem Jülichs-Platz GmbH” – xưởng nước hoa lâu đời nhất trên thế giới, cũng chính là nơi khai sinh ra chai Eau de Cologne đầu tiên, và vẫn hoạt động cho đến ngày nay như nhà cung cấp nước hoa cho hoàng gia các nước châu Âu.Còn nếu bạn muốn mang theo mùi hương đậm chất Köln mà không cần phải là thành viên hoàng gia? Hãy đừng quên “Original Eau de Cologne 4711” - thương hiệu nước hoa ra đời vào cuối thế kỷ 18, và là một trong những loại nước hoa cổ nhất vẫn tiếp tục sản xuất đến ngày nay.
Grasse, trái tim vẫn đập từng ngày
Từ Köln, lại là hơn một ngàn cây số nữa, tôi đặt chân xuống Grasse. Bước qua điểm khởi đầu, thả bước qua nơi khai sinh cái tên, giờ mới là lúc tôi thực sự đặt chân đến thủ phủ của mùi hương châu Âu, nơi hương thơm là một phần của cuộc sống mỗi ngày.
Những con đường quanh co và rải sỏi cùng những tòa nhà di sản có thể khiến bạn ngỡ như đã đặt chân đến một thị trấn châu Âu đầy khách du lịch khác. Nhưng ở đây, hãy nhắm mắt và để mũi bạn hướng dẫn bạn qua Grasse - một thị trấn nhỏ của vùng Riviera, nơi có đa số các nhà sản xuất nước hoa, nhà chế tạo và viện nước hoa quốc tế.
Nằm gần thị trấn sang trọng Cannes và cách Nice một quãng đi xe ngắn, Grasse không giống như phần còn lại của Riviera. Hướng dẫn du lịch thông thường dễ dàng loại bỏ nó và đưa ra các đề xuất về một chuyến đi trong ngày nhanh chóng ở đây.
Nhưng hãy tin tôi: hãy ở lại đó lâu hơn một ngày, và hít đầy buồng phổi của bạn bằng những gì thơm tho nhất mà thế giới có thể lọc ra mỗi ngày.
Thành phố Grasse được mệnh danh là kinh đô nước hoa của thế giới
Bất kỳ ai, chỉ cần trót yêu thích một mùi hương nào đó, chắc chắn sẽ không thể chối từ cơ hội bước chân vào Musée International de la Parfumerie - nơi sẽ cung cấp toàn bộ lịch sử nước hoa hiện đại, mọi dấu mốc quan trọng, và thú vị hơn, cho bạn thử trải nghiệm từng mùi hương đơn lẻ, ở dạng tự nhiên nhất của nó.
Bước ra khỏi bảo tàng, đừng vội rời đi, hãy bắt chuyến bus ngắn đưa bạn đến Mouans Sartoux - nơi có vườn hoa của bảo tàng. Tại đây trồng nhiều loại hoa, như nhài Grasse, huệ tây, mimosa…, chính là những bông hoa được dùng trong các mùi hương đình đám của Dior hay Chanel.
Chuyến hành trình đến Grasse sẽ là không trọn vẹn, nếu như thiếu một lần ghé thăm những nhà chế tác mùi hương lâu đời nhất còn đang hoạt động tại đây: Fragonard, Molinard và Galimard, nơi lịch sử hình thành được quay ngược tới tận thế kỷ 18. Mỗi nơi sẽ cung cấp cho bạn một câu chuyện thú vị của riêng mình, và phần nào gộp lại thành bức tranh chung của một thị trấn cất giữ những tinh tuý của thiên nhiên, góp thêm hương sắc cho cả thế giới.
Thậm chí, đôi khi chỉ cần bước chân tình cờ vào một cửa hàng độc lập bé tí ti trên lề đường, bạn cũng sẽ bị nhấn chìm trong cả một thế giới nước hoa khác lạ - bởi từng phân tử mùi hương đã ngấm vào không khí nơi đây, trở thành đam mê chung, và vẫn đập từng nhịp hối hả mỗi ngày.
Chuyến hành trình đi tìm những cái tên gắn liền với mùi hương của tôi khép lại, với ba vùng đất để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử ngành nước hoa hiện đại, cũng là ba thủ phủ tương ứng với ba giai đoạn ở châu Âu. Một chuyến hành trình để chiếc mũi dẫn lối thay vì con mắt, và mang lại nhiều tiếc nuối: ngày thì ngắn quá, còn nhiều cái tên không kém phần quan trọng chưa được ghé thăm, và thế giới mùi hương thì rộng lớn quá.
Một lần đã lỡ đam mê, chẳng biết bao giờ mới được thoả ước mơ đi tới tận cùng, để kiếm tìm mùi hương thực sự thuộc về mình.