COVID-19, nỗi đau của đời sống nghệ thuật thế giới và Việt Nam
COVID-19 đã có những tác động tiêu cực với đời sống nghệ thuật không chỉ tại Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới. Các lễ hội, chương trình âm nhạc dừng tổ chức, rạp chiếu phim đóng cửa… chỉ là bề nổi của đại dịch. Đau xót hơn cả bởi danh sách nghệ sĩ qua đời vì đại dịch chưa dừng lại, bi thương chưa hồi kết.
Kể từ khi xuất hiện 2 năm qua, COVID-19 đã cướp đi tính mạng rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi, lừng danh thế giới. Đó là nghệ sĩ nhạc đồng quê người Mỹ từng đoạt giải Grammy Joe Diffie, "vua hài quốc dân" Ken Shimura của Nhật Bản, huyền thoại Manu Dibango - nghệ sĩ kèn saxophone người Cameroon, đạo diễn Thường Khải (Trung Quốc), đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk, nam diễn viên hài Eddie Large (nhóm Little & Large), danh ca Christophe (Pháp) với các bản hit Aline, Oh Mon Amour.
Người yêu nghệ thuật cũng bàng hoàng khi kiến trúc sư bậc thầy người Ý Vittorio Gregotti; danh hài lừng danh người Anh Tim Brooke - Taylor; ca sĩ, nhạc sĩ người Anh Cy Tucker (từng biểu diễn với ban nhạc huyền thoại The Beatles); nữ minh tinh Honor Blackman (Anh); bậc thầy ballet Wilhelm Burmann (Đức), ca sĩ - nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Adam Schlesinger, đạo diễn lừng danh người Nga Vladimir Menshov... mắc COVID-19 và đã về bên kia thế giới.
Trong nước, sự ra đi của ca sĩ Phi Nhung sau hơn một tháng điều trị COVID-19 ngày 28/9 như mũi dao khoét vào vết thương chưa lành của showbiz Việt. Trước ca sĩ Phi Nhung, rất nhiều cái tên trong đời sống nghệ thuật nước nhà đã bị COVID-19 cướp đi sự sống: NSƯT Khải Hoàn, NSƯT Lâm Bửu Sang, nhà văn Nguyễn Quốc Trung, đạo diễn Lê Văn Tĩnh, rocker Trung Thành Sago, họa sĩ Lê Thánh Thư, nghệ sĩ Kim Phượng, nhạc sĩ Thanh Châu, danh ca Lệ Thu, ca sĩ Đình Hùng, Phương Quế Như, Phi Hải, Y Jang Tuyn, đạo diễn Nguyễn Tấn Lực, diễn viên Hứa Kiệt Luân, đạo diễn - nhà quay phim Tường Lê...
Tất cả những văn nghệ sĩ Việt Nam kể trên đều là những cái tên được khán giả yêu mến, có đóng góp nhất định cho lĩnh vực mà họ hoạt động từ sân khấu, âm nhạc, văn học đến hội họa, điện ảnh.
Những cái chết trong đại dịch COVID-19 cho thấy sự tàn phá của dịch bệnh không chỉ về kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội, du lịch… mà hơn hết là con người. Những nguy cơ của đại dịch vẫn luôn tiềm ẩn. Và COVID-19 không phân biệt người nổi tiếng hay người bình thường. Mọi người trên quả đất này đều có thể là nạn nhân của "Cô Vít".
"Sóng ngầm" cho người ở lại
Trước sự ra đi của Phi Nhung và người nổi tiếng tài năng trên toàn thế giới, một điểm chung là mọi người đã bày tỏ nỗi tiếc thương sâu sắc trên các mạng xã hội. Sau khi thông tin giọng ca Bông điên điển qua đời được gia đình công bố, thực tế đã có một "cơn bão yêu thương" chưa từng có trên facebook dành cho người vừa nằm xuống.
Những bài viết chia sẻ cảm xúc từ gia đình, đồng nghiệp, người hâm mộ Phi Nhung được đăng trên mạng xã hội. Đọng lại là tình thương yêu, trân quý ca sĩ Chiều lên bản Thượng, từ tiếng hát say đắm lòng người đến những việc làm nhân ái Phi Nhung đã có trong 50 năm ở cõi nhân sinh. Sau tất cả, ca sĩ Phi Nhung đã thôi những đớn đau của bệnh dịch, muộn phiền và những giấc mơ của chị đã được gió cuốn đi về trời. Chị gửi lại nhân gian nỗi nhớ mong, thương xót khôn nguôi.
Đau đớn khi người nghệ sĩ trong nước và trên thế giới đã tử vong do COVID-19 là cảm giác chúng ta trải qua, phải chấp nhận và chứng kiến. Sự ra đi của ca sĩ Phi Nhung, Y Jang Tuyn cũng như các nghệ sĩ trong nước gần đây đem tới cho tất cả chúng ta một thông điệp, đó là cần thận trọng bảo vệ bản thân và gia đình trước đại dịch COVID-19.
SARS-CoV-2 với những biến thể mới như Delta, Delta plus, Lamba có tốc độ lây lan nhanh, càng khiến mỗi người trong chúng ta, không phân biệt thành phần xã hội, nghề nghiệp, giới tính, độ tuổi phải cẩn trọng. Và hơn bao giờ hết, mỗi người hãy là một "tiểu pháo đài phòng dịch" bởi COVID-19 có thể đặt chúng ta đứng trước ranh giới sinh tử bất cứ lúc nào.
Mong đại dịch sớm kết thúc để không còn "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" trong đời sống nghệ thuật nói riêng, mọi hoạt động của con người nói chung!